HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngân hàng 160 năm tuổi thực hiện đại cải tổ, lần đầu tiên bổ nhiệm CFO nữ

Đăng Đức

(Thị trường tài chính) - Lần đầu tiên trong vòng 160 năm hình thành và phát triển, HSBC - ngân hàng lớn nhất châu Âu “chọn mặt gửi vàng” một phụ nữ giữ vai trò Giám đốc tài chính.

Cuộc đại tu của ngân hàng lớn nhất châu Âu

Ngân hàng HSBC mới đây đã công bố cơ cấu ban lãnh đạo mới và hợp nhất hoạt động của mình thành 4 đơn vị kinh doanh, trong bối cảnh diễn ra cuộc đại tu quan trọng với việc lần đầu tiên trong lịch sử 160 năm, họ chọn một phụ nữ giữ vị trí Giám đốc tài chính (CFO). 

Ngân hàng 160 năm tuổi thực hiện đại cải tổ, lần đầu tiên bổ nhiệm CFO nữ - ảnh 1
Ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC công bố kế hoạch cải tổ quan trọng - Ảnh: Aaron P/Bauer-Griffin/GC Images/Getty Images

HSBC là một ngân hàng toàn cầu và tập đoàn dịch vụ tài chính của Anh có trụ sở chính tại London, có mối liên hệ lịch sử và kinh doanh với Đông Á và mang dấu ấn đa quốc gia. Đây là ngân hàng lớn nhất có trụ sở tại châu Âu xét về tổng tài sản (hơn với 2,919 nghìn tỷ USD), xếp trên cả BNP Paribas, (hơn 2,867 nghìn USD) tính đến tháng 12 năm 2023.

Là một phần của quá trình tái cấu trúc được nêu trong hồ sơ nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, HSBC có kế hoạch chia hoạt động của mình thành một chi nhánh “thị trường phía Đông”, hợp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, cùng với một bộ phận “thị trường phía Tây”, bao gồm ngân hàng Anh không bị giới hạn, doanh nghiệp châu Âu lục địa và châu Mỹ.

Công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An, cổ đông lớn nhất của HSBC với hơn 9% cổ phần, trước đây đã vận động tách hoạt động kinh doanh tại châu Á của HSBC khỏi các hoạt động còn lại của tập đoàn. Tuy nhiên cuối cùng đề xuất này đã bị bác bỏ trong cuộc họp chung thường niên của ngân hàng vào năm ngoái.

HSBC cũng đã công bố kế hoạch tinh giản hoạt động kinh doanh nhằm mục đích “giảm sự trùng lặp của các quy trình và quá trình ra quyết định”. Từ tháng 1/2025, ngân hàng lớn nhất châu Âu sẽ hoạt động thông qua 4 bộ phận: Hồng Kông, Vương quốc Anh, ngân hàng quốc tế và ngân hàng cao cấp, cùng ngân hàng doanh nghiệp và tổ chức.

CEO mới của HSBC, ông Georges Elhedery cho biết trong một tuyên bố vào thứ Ba tuần này rằng: “Cơ cấu mới sẽ tạo ra một tổ chức đơn giản hơn, năng động hơn và nhanh nhẹn hơn khi chúng tôi tập trung vào việc thực hiện các ưu tiên chiến lược của mình, vốn vẫn không thay đổi”, đồng thời nói thêm rằng sự thay đổi này sẽ giúp thúc đẩy HSBC trong “giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”.

Đơn vị ngân hàng doanh nghiệp và tổ chức mới của ngân hàng sẽ kết hợp hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại (ngoài Hồng Kông và Vương quốc Anh), hoạt động ngân hàng và thị trường toàn cầu, và hoạt động ngân hàng bán buôn tại các thị trường phương Tây.

Các nhà phân tích của UBS cho biết quy mô của quá trình tái cấu trúc cần thiết hiện đang “chưa rõ và quan trọng”.

Trong một thông báo có tiêu đề “Đơn giản hơn, nhanh hơn, tốt hơn?”, HSBC viết rằng: “Việc sắp xếp các chức năng cho một tập đoàn có 213.978 nhân viên sẽ tốn kém chi phí, việc thay đổi các bộ phận sẽ tạo cơ hội cắt giảm chi phí cho Giám đốc điều hành (CEO) mới”.

Thay đổi ở thượng tầng, trao đặc quyền cho “Nữ tướng”

Giống như nhiều tổ chức cho vay khác ở châu Âu, HSBC đã được hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao kể từ đại dịch Covid-19, nhưng hiện phải đối mặt với nguy cơ mất đi sự hỗ trợ đó sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6.

Đến tháng 7, HSBC đã công bố lợi nhuận trước thuế vượt ước tính là 21,56 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 và công bố chương trình mua lại cổ phiếu lên tới 3 tỷ USD. Ngân hàng này dự kiến sẽ báo cáo kết quả tài chính tiếp theo vào ngày 29/10.

Đầu tháng này, tờ Financial Times đưa tin rằng tân CEO Georges Elhedery đang nhắm tới việc “thay máu” ban quản lý cấp cao của ngân hàng HSBC như một phần của kế hoạch tái cấu trúc cắt giảm chi phí có thể tiết kiệm tới 300 triệu USD.

Trong bối cảnh cuộc cải tổ quản lý được công bố hôm thứ Ba tuần này, HSBC cho biết Pam Kaur - hiện là Giám đốc Rủi ro và Tuân thủ của tập đoàn - sẽ đảm nhận chức vụ CFO vào ngày 1/1/2025, thay thế Giám đốc tài chính tạm quyền Jon Bingham.

Ngân hàng 160 năm tuổi thực hiện đại cải tổ, lần đầu tiên bổ nhiệm CFO nữ - ảnh 2
Lần đầu tiên trong 160 năm lịch sử hình thành và phát triển, "đại gia" ngân hàng Anh chọn một phụ nữ làm Giám đốc tài chính (CFO), đó là bà Pam Kaur - Ảnh: Getty Images, LinkedIn

Đây là lần thay đổi nhân sự cấp cao thứ hai của HSBC trong những tháng gần đây, sau khi cựu Giám đốc tài chính Georges Elhedery được bổ nhiệm làm CEO của tập đoàn vào tháng 7 năm nay.

Pam Kaur, một nhân vật nổi tiếng trong HSBC, trước đây từng giữ chức Giám đốc Rủi ro và Tuân thủ của ngân hàng. Kể từ khi gia nhập HSBC vào tháng 4 năm 2013 với tư cách là Trưởng nhóm Kiểm toán nội bộ, bà Kaur đã đảm nhiệm một số vai trò cấp cao trong tổ chức.

Năm 2019, bà được bổ nhiệm làm Trưởng nhóm Thị trường bán buôn và Rủi ro tín dụng và trở thành Chủ tịch của diễn đàn rủi ro phi tài chính toàn doanh nghiệp. Đến tháng 1 năm 2020, bà Kaur được thăng chức lên Giám đốc Rủi ro của Tập đoàn, và tiếp tục được bổ sung thêm trách nhiệm quản lý về việc tuân thủ quy định của HSBC vào tháng 6 năm 2021.

Con đường sự nghiệp của bà Kaur kéo dài hơn 3 thập kỷ, với các vai trò lãnh đạo quan trọng tại các tổ chức tài chính lớn như Deutsche Bank, Royal Bank of Scotland, Lloyds TSB và Citibank, nơi bà bắt đầu hành trình của mình trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ.

Bà Kaur cũng là một Kế toán viên công chứng (CA), có bằng cấp tại Ernst & Young, và có bằng MBA về Tài chính và Cử nhân Thương mại (Danh dự) từ Đại học Panjab, Ấn Độ. Bà cũng là thành viên của Viện Kế toán viên công chứng tại Anh cũng như xứ Wales và hiện đang là Giám đốc không điều hành của Abrdn plc.

Theo CNBC