Ngoài bảo lãnh ngân hàng, thêm một hình thức bảo lãnh mới được công nhận trong đấu thầu
(Thị trường tài chính) - Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/01/2024 đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh bên cạnh bảo lãnh ngân hàng, từ đó mở ra một hướng đi mới cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu các dự án
Doanh nghiệp tăng tốc với bảo hiểm bảo lãnh
Việc hành lang pháp lý với sự hoàn thiện của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (chính thức có hiệu lực từ 01/01/2024) dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội bùng nổ cho bảo hiểm bảo lãnh, giúp doanh nghiệp Việt tối ưu hóa nguồn lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
Với các công ty bảo hiểm, Luật Đấu thầu 2023 mở rộng cơ hội triển khai sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh cho các dự án lớn, đặc biệt trong xây dựng, bất động sản và hạ tầng. Theo dự báo, bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh dự thầu sẽ trở thành hai sản phẩm chủ chốt mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể nhắm tới.
Về phía nhà thầu, bảo hiểm bảo lãnh duy trì hạn mức tín dụng bằng cách cung cấp sự đảm bảo cho các khoản vay và hợp đồng, đồng thời giải phóng dòng tiền bằng cách giảm thiểu các khoản tiền đặt cọc cần thiết cho các dự án. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án và nâng cao khả năng cạnh tranh trong đấu thầu.
Nghị định 68/2014/NĐ-CP và Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về bảo hiểm bảo lãnh, bao gồm mối quan hệ ba bên và nghĩa vụ hoàn trả. Đặc biệt, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, có hiệu lực từ 01/01/2024 đã mở ra nhiều cơ hội mới khi cho phép sử dụng bảo hiểm bảo lãnh như một hình thức đảm bảo hợp lệ trong đấu thầu và thực hiện hợp đồng. Các quy định tại Điều 14, Điều 68 và Điều 75 đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh bên cạnh bảo lãnh ngân hàng, từ đó mở ra một hướng đi mới cho doanh nghiệp khi tham gia các dự án.
Hành lang pháp lý vững chắc đang thúc đẩy vai trò của bảo hiểm bảo lãnh
Thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam cũng đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ thị trường bảo hiểm bảo lãnh.
Một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng cơ chế bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam là Chi nhánh Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) Hà Nội. SGI là công ty hàng đầu tại Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo hiểm bảo lãnh. Đạt xếp hạng AA- (Stable) từ Fitch Ratings và A+ (Stable) từ S&P, SGI đã khẳng định vị thế và sức mạnh tài chính vững mạnh trên toàn cầu. Với nền kinh tế phát triển năng động và nhu cầu bảo hiểm bảo lãnh gia tăng, Việt Nam đang trở thành một điểm đến chiến lược đối với SGI trong quá trình toàn cầu hóa.
Sau khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 được ban hành, SGI Hà Nội đã chủ động phối hợp với Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam và Hiệp hội xây dựng Hàn Quốc tổ chức chuỗi hội thảo giới thiệu về bảo hiểm bảo lãnh. Các thành viên Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đáng kể đến loại hình bảo lãnh bởi khả năng tối ưu hóa nguồn lực tài chính và giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.
Đại diện Công ty Bảo hiểm bảo lãnh SGI Hà Nội cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu lớn từ các nhà thầu trong nước về một giải pháp tài chính thay thế, không chỉ giúp giảm gánh nặng về tài sản thế chấp mà còn linh hoạt hơn trong việc quản lý dòng tiền. Bảo hiểm bảo lãnh là một cơ chế tiên tiến, giúp các nhà thầu không phải cung cấp tài sản đảm bảo mà vẫn được bảo lãnh dựa trên đánh giá thẩm định uy tín từ công ty bảo hiểm.”
Theo cá chuyên gia, cơ chế bảo lãnh của bảo hiểm bảo lãnh được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với bảo lãnh ngân hàng, bao gồm: không yêu cầu tài sản đảm bảo, không bị tính vào hạn mức vay của doanh nghiệp, và quy trình thẩm định nhanh chóng. Tất cả những yếu tố này giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà thầu khi tham gia đấu thầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo hoạt động ổn định trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Thị trường tiềm năng
Bảo hiểm bảo lãnh được đánh giá là một giải pháp tiên tiến và đang thu hút sự chú ý của thị trường tại Việt Nam. Mặc dù việc áp dụng sản phẩm này vẫn gặp một số thách thức, nhưng ngày càng có nhiều chủ đầu tư, bao gồm cả các cơ quan nhà nước, đang cởi mở hơn với bảo hiểm bảo lãnh như một lựa chọn khả thi bởi những ưu điểm từ loại hình bảo hiểm này mang lại như: phí bảo hiểm hợp lý và giúp cho nhà thầu không làm giảm hạn mức tín dụng đối với ngân hàng, qua đó giúp giải phóng dòng tiền. Nhà thầu không cần phải ký quỹ hoặc có tài sản đảm bảo cho 100% giá trị bảo lãnh. Điều này mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp bảo vệ khả năng tài chính cho các nhà thầu cũng như chủ đầu tư.
Trong hai ngày 23-24/10/2024, Đại hội đồng thường niên lần thứ 5 của Hiệp hội Bảo hiểm tín dụng & bảo lãnh châu Á (AGCIA) sẽ diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu một sự kiện quan trọng khi Việt Nam trở thành nước chủ nhà cho hội nghị này. Sự kiện sẽ quy tụ đại biểu của 9 quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Philippines, Lào, Mông Cổ, Campuchia, Indonesia đến từ các tổ chức đánh giá tín dụng tín dụng, quỹ tín dụng các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo lãnh hàng đầu khu vực.
Đến nay, thị trường bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến tích cực. Trong nửa đầu năm 2024, Bảo hiểm Bảo Việt ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu bảo hiểm bảo lãnh, đặc biệt nổi bật trong các lĩnh vực xây dựng và cung ứng dịch vụ – hai ngành đang trong quá trình hồi phục và mở rộng nhanh chóng.
Theo dự báo, tỷ trọng bảo hiểm bảo lãnh trong tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục gia tăng khi nhu cầu thị trường phát triển và các quy định pháp lý được điều chỉnh phù hợp hơn. Các chuyên gia cho rằng, trong dài hạn, bảo hiểm bảo lãnh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Việt - doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lâu đời nhất, cũng là đơn vị tiên phong triển khai sản phẩm này từ năm 2020. Doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược đào tạo sản phẩm cho các chi nhánh và truyền thông trực tiếp tới nhà thầu và chủ đầu tư, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ- đối tượng thường gặp khó khăn khi phải cung cấp tài sản đảm bảo cho các cam kết tài chính. Đến nay, các yêu cầu về bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng với giá trị trung bình từ các SME đang ngày càng gia tăng.
Theo phân tích của các chuyên gia, sự quan tâm này phản ánh xu hướng các nhà thầu tìm kiếm các giải pháp thay thế bảo lãnh ngân hàng truyền thống. Bởi bảo hiểm bảo lãnh được coi là một lợi thế lớn trong bối cảnh lãi suất tăng cao và các quy định về tín dụng ngân hàng ngày càng thắt chặt.