HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Diễn biến bất ngờ cổ phiếu phiếu họ Vingroup trong ngày đầu Vinhomes bắt đầu thương vụ lịch sử

An Vũ

(Thị trường tài chính) - VN-Index tiếp tục chịu sức ép từ lực bán trong phiên giao dịch sáng ngày 23/10. Các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup có xu hướng diễn biến trái ngược nhau.

Tâm điểm chú ý của thị trường tuần này chính là thông tin Vinhomes mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch mua lại sẽ được thực hiện từ ngày 23/10 đến 21/11/2024 thông qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.

Kể từ khi công bố kế hoạch này vào đầu tháng 8, cổ phiếu VHM đã có đợt tăng giá ấn tượng, đặc biệt sau khi doanh nghiệp hé lộ tiến trình mua lại cổ phiếu. Theo đại diện Vinhomes, mục tiêu của việc mua lại là do giá cổ phiếu hiện tại thấp hơn so với giá trị thực của công ty, và điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xác nhận nhận được tài liệu báo cáo từ Vinhomes về việc mua lại cổ phiếu, và quá trình mua sẽ diễn ra trong khung thời gian từ 23/10 đến 22/11/2024.

Trong phiên giao dịch ngày 22/10, sau một buổi sáng giằng co, thị trường chứng khoán bất ngờ chịu áp lực bán mạnh vào phiên chiều, đặc biệt là sau 14h. Điều này khiến VN-Index giảm mạnh, đánh dấu phiên sụt giảm lớn nhất trong vòng một tháng qua.

Các trụ cột hỗ trợ thị trường trong thời gian gần đây cũng không tránh khỏi áp lực bán. Một số mã cổ phiếu quay đầu giảm hoặc mất đi đà tăng trưởng, ngoại trừ VHM (Vinhomes) – cổ phiếu này vẫn giữ được sắc xanh nhẹ khi đóng cửa phiên. So với mức đóng cửa ngày 7/10, cổ phiếu VHM đã tăng hơn 17%, và nếu so với mức đáy của năm thiết lập vào ngày 5/8, VHM đã tăng gần 40%.

Diễn biến bất ngờ cổ phiếu phiếu họ Vingroup trong ngày đầu Vinhomes bắt đầu thương vụ lịch sử - ảnh 1
Diễn biến thị trường sáng nay. Ảnh: Vietstock

VN-Index tiếp tục chịu sức ép từ lực bán trong phiên giao dịch sáng ngày 23/10. Các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup có xu hướng diễn biến trái ngược nhau. Sau phiên giảm trước đó, thị trường chứng kiến sự giằng co mạnh mẽ giữa bên mua và bên bán, khiến các chỉ số chính dao động quanh mức tham chiếu và chưa thể tạo sự bứt phá.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,51 điểm (tương ứng giảm 0,12%) xuống còn 1.268,38 điểm.

Sáng nay, VHM tiếp tục chịu áp lực chốt lời, khiến cổ phiếu này điều chỉnh giảm mạnh. Ngược lại, hai mã cổ phiếu còn lại trong "họ Vingroup" là VIC (Vingroup) và VRE (Vincom Retail) lại ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. VIC tăng khoảng 3%, dẫn đầu nhóm VN30, trong khi VRE tăng 1,1%.

Ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu trực tiếp 691.274.400 cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,82% vốn điều lệ tập đoàn. Với đà tăng VIC sáng nay, hơn 691 triệu cổ phiếu VIC do ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ, tài sản tại VIC của tỷ phú này ở mức 30.000 tỷ đồng

Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng trưởng đáng kể, đạt 4,3 tỷ USD vào ngày 2/10, theo ước tính của Forbes. Con số này đánh dấu sự gia tăng từ mức 4,1 tỷ USD hồi giữa tháng 7, nhờ vào sự phục hồi của cổ phiếu Vingroup (VIC) tại Việt Nam và cổ phiếu VinFast (VFS) trên sàn Nasdaq của Mỹ.

Với tài sản hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đang đứng thứ 833 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Trước đó, vào tháng 8/2023, khi VinFast mới niêm yết trên Nasdaq, ông Vượng từng được Forbes xếp hạng ở vị trí 16 toàn cầu, với khối tài sản đạt mức 84 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó Forbes đã điều chỉnh lại con số này đáng kể.

Đầu năm 2024, Bloomberg từng báo cáo rằng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng có thời điểm đã tăng vọt lên hơn 9 tỷ USD, giúp ông giữ vị trí thứ 257 trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu, chủ yếu nhờ vào VinFast. Phần lớn tài sản của ông xuất phát từ cổ phần của ông tại hai công ty niêm yết là Vingroup (VIC) và VinFast (VFS).