HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nga và một ông lớn khác muốn rời xa dầu mỏ, thời hoàng kim của 'vàng đen' sắp chấm dứt?

Nhã San

(Thị trường tài chính) - Thị trường dầu mỏ hiện tại đã thay đổi và hai trong số những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đang cảm nhận được sức ép.

Nga và Saudi Arabia là 2 nền kinh tế phụ thuộc nặng vào năng lượng, ngành đóng góp khoảng 40% GDP của Saudi Arabia và 20% GDP của Nga. Trong bối cảnh hiện nay, cả hai đều đang  chuyển đổi cơ cấu nhằm tạo ra những động lực mới để duy trì nền kinh tế trong nhiều thập kỷ tới, theo Abishur Prakash, người sáng lập The Geopolitical Business, một công ty tư vấn chiến lược tại Toronto, cho hay.

Sự tái định hướng này diễn ra trong bối cảnh mà Prakash gọi là "sự mất cân bằng địa chính trị", ngay cả khi phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Ông nói: "Thực tế là nguồn cung dầu ở Trung Đông đang trở thành tâm điểm của căng thẳng địa chính trị. Một cuộc xung đột qua lại giữa Israel và Iran, ngày càng có khả năng xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái năng lượng trong khu vực”.

Nga và một ông lớn khác muốn rời xa dầu mỏ, thời hoàng kim của 'vàng đen' sắp chấm dứt? - ảnh 1

Biến động thị trường dầu mỏ khiến Saudi Arabia và Nga phải đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ảnh: AFP

 

Tuy nhiên, năm nay, thị trường hầu như không mấy quan tâm đến những lo ngại về nguồn cung từ cuộc xung đột ở Trung Đông — điều này khác biệt so với trước đây, khi các vấn đề khu vực khiến giá dầu tăng vọt.

Rời xa dầu mỏ

Saudi Arabia và Nga đều đứng thứ hai thế giới về sản lượng dầu, sau Mỹ. Năm ngoái, mỗi quốc gia này chiếm 11% nguồn cung dầu toàn cầu. Trong khi họ vẫn là những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Mỹ — với mức xuất khẩu kỷ lục vào năm 2023 — đang nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh về thị phần.

Năm 2016, Saudi Arabia đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng mang tên “Tầm nhìn 2030” nhằm chuyển đổi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ sang một nền kinh tế đa dạng hơn, bao gồm du lịch và thể thao là những trụ cột tăng trưởng chính.

Gần đây, quốc gia này đã thể hiện sự thất vọng với giá dầu thấp. Họ đã từ bỏ mục tiêu giá 100 USD mỗi thùng và sẵn sàng tăng sản lượng dầu, theo báo cáo của Financial Times vào cuối tháng 9. Điều này có nghĩa là Saudi Arabia đang tìm cách chiếm lĩnh thị phần lớn hơn thay vì nhắm đến biên lợi nhuận cao hơn bằng cách hạn chế sản lượng.

Nga cũng đã bày tỏ mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov, cho biết nước này đang tiến tới giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt để tập trung vào phát triển kinh tế trong nước.

Nga cũng đã chuyển hướng thương mại về phía Đông để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tương tự, Saudi Arabia đang tìm cách bán thêm dầu cho các nước đang phát triển, nơi mà việc áp dụng xe điện còn chậm hơn so với Trung Quốc và các nước phương Tây.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tháng 6, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu trong phần còn lại của thập kỷ, khi mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu tăng từ 101,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023 lên 105,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030.

Giá dầu, năng lượng tái tạo và vai trò của Mỹ

Bất chấp căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông với lo ngại về một cuộc chiến leo thang, giá dầu vẫn chưa tăng lên. Tuy nhiên, giá dầu vẫn có thể tăng vọt nếu tình hình Trung Đông trở nên tồi tệ hơn. Đã có một số đợt tăng giá trong năm — chẳng hạn như đầu tháng 10 do lo ngại các cơ sở dầu của Iran có thể bị tấn công và tháng 8 vì căng thẳng ở Trung Đông — nhưng chúng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Giá dầu đã giảm khoảng 7% vào tuần trước sau khi những lo ngại này lắng xuống.

Giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, đã giảm khoảng 4% từ đầu năm đến nay xuống còn khoảng 74 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,3% xuống còn khoảng 70 USD/thùng. Một yếu tố chính góp phần vào xu hướng này là sự gia tăng mạnh mẽ sản lượng dầu của Mỹ trong 15 năm qua sau sự bùng nổ của ngành dầu đá phiến.

Nga và một ông lớn khác muốn rời xa dầu mỏ, thời hoàng kim của 'vàng đen' sắp chấm dứt? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Matthew Huber, Giáo sư tại Đại học Syracuse, cho biết Mỹ đã đẩy Saudi Arabia ra khỏi vai trò là nhà sản xuất điều chỉnh cung cầu.

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo cũng là yếu tố quan trọng. "Sự bùng nổ trong việc áp dụng xe điện ở Trung Quốc (và có thể là ở Mỹ và châu Âu trong tương lai) cho thấy rằng 'đỉnh điểm' nhu cầu dầu sẽ sớm xảy ra", Huber nói. "Việc đa dạng hóa nền kinh tế ra khỏi dầu mỏ luôn là một ý tưởng hay và bây giờ điều đó đang ngày càng trở nên quan trọng”.

Vai trò của OPEC

Những thay đổi trong ngành dầu mỏ cũng làm dấy lên câu hỏi lâu nay về tầm ảnh hưởng và sự liên quan của OPEC. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ do Saudi Arabia dẫn đầu chiếm khoảng 30% sản lượng dầu thô toàn cầu. "Mọi thứ đều có chu kỳ. Họ đã rất có ảnh hưởng trong những năm 1970 khi có thể tăng giá dầu gần như một cách đơn phương", Huber cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề là khi giá dầu tăng, các công ty dầu sẽ tìm kiếm những nguồn dầu tạm thời có lợi nhuận, như sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ gần đây là một ví dụ. OPEC cũng đang đối mặt với những rạn nứt nội bộ giữa các thành viên, khi các nước này có những ưu tiên khác nhau.

Câu hỏi lớn hiện nay là liệu các thành viên OPEC có đồng lòng với kế hoạch tăng sản lượng của Saudi Arabia hay không. Theo Prakash, không phải tất cả các thành viên OPEC đều có thể ủng hộ kế hoạch này. Một nhiệm kỳ Tổng thống tiềm năng của Donald Trump ở Mỹ có thể thúc đẩy sản xuất dầu và khí đốt trong nước.

"Nếu OPEC không thể đoàn kết các thành viên, và các thành viên đi theo những hướng riêng, điều đó sẽ dẫn đến sự phân cực hơn nữa ở Trung Đông", Prakash nói. "Thay vì năng lượng gắn kết khu vực như trong quá khứ, năng lượng kết hợp với địa chính trị có thể chia rẽ Trung Đông”.

Theo Business Insider