HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Lo ngại tỷ giá USD tăng mạnh trong kỷ nguyên 'Donald Trump 2.0'

Diệp Thảo

(Thị trường tài chính) - Các nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng chính sách đồng USD yếu sẽ tốn kém và khó thực hiện về mặt chính trị.

Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nói rõ ràng rằng ông muốn đồng USD yếu hơn để giúp hàng xuất khẩu của Mỹ cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và nhà phân tích đang chỉ ra những thách thức trong việc làm đồng bạc xanh yếu đi — đặc biệt là nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai.

Michael Strobaek, Giám đốc thông tin toàn cầu tại ngân hàng tư nhân Lombard Odier của Thụy Sĩ, đã viết trong một ghi chú hôm thứ Hai (22/7) rằng: "Đồng USD có thể tăng cao hơn nữa do kỳ vọng rằng đến năm 2025 sẽ có thêm các đợt cắt giảm thuế bổ sung, thuế nhập khẩu 'ưu tiên nước Mỹ' và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn có thể sẽ được áp dụng để thắt chặt thị trường việc làm".

Lo ngại tỷ giá USD tăng mạnh trong kỷ nguyên 'Donald Trump 2.0' - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đồng USD đã tăng giá sau vụ ám sát bất thành ông Trump ngày 13/7, nhưng đã giảm nhẹ sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác ghi nhận mức tăng khoảng 3% trong năm nay.

Sự can thiệp vào đồng USD có thể tốn hàng nghìn tỷ USD

Các nhà phân tích của Deutsche Bank viết trong một ghi chú hôm thứ Hai (22/7) rằng nếu ông Trump thắng cử Tổng thống vào tháng 11, chính quyền của ông sẽ rất khó theo đuổi chính sách đồng USD yếu - ngay cả khi ông muốn.

Các nhà phân tích nhận định rằng nếu tự mình thực hiện sẽ cực kỳ tốn kém cho Mỹ bởi một chính sách đồng USD yếu hiệu quả sẽ cần sự can thiệp của thị trường tài chính, kiểm soát vốn hoặc "làm xói mòn tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)".

Các nhà phân tích của Deutsche Bank ước tính rằng việc làm suy yếu đồng USD là một động thái sẽ tiêu tốn hơn 2 nghìn tỷ USD. Họ cũng cho biết việc Mỹ tạo ra một quỹ dự trữ ngoại tệ để thúc đẩy đồng USD là không thực tế.

"Đầu tiên, Mỹ sẽ phải phát hành thêm trái phiếu Kho bạc để tài trợ cho việc mua tài sản nước ngoài", các nhà phân tích của ngân hàng Đức cho hay. Họ nói thêm rằng quá trình này sẽ vấp phải các hạn chế về trần nợ công của Mỹ và sẽ là gánh nặng tài chính cho Chính phủ liên bang.

Hơn nữa, “hình ảnh một Tổng thống mua tài sản nước ngoài và làm mất tiền của người đóng thuế trong quá trình này sẽ không dễ được chấp nhận về mặt chính trị", họ nói thêm.

Mỹ có thể nhờ các đối tác thương mại giúp can thiệp vào thị trường ngoại hối, tuy nhiên các đối tác này có thể "không có tiền", theo Deutsche Bank. Sự can thiệp như vậy cũng đi ngược lại cam kết của G7 về tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định.

Đồng USD là một đồng tiền trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn 

Đồng USD có vị thế đặc biệt vì đây là đồng tiền dự trữ hàng đầu của thế giới và là một nơi trú ẩn an toàn giữa bối cảnh bất ổn.

Điều này có nghĩa là đồng tiền này có khả năng sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khó lường hơn nữa, chẳng hạn như những gì đang diễn ra trong mùa vận động tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay.

Strobaek của Lombard Odier viết: "Những bất ổn chính trị sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn, có thể kéo dài cho đến tận khi Đảng Dân chủ xác nhận người thay thế ông Biden tại Đại hội toàn quốc diễn ra từ ngày 19 đến 22/8" .

Ngoài ra, các xu hướng khác trên toàn cầu cũng đang thúc đẩy lạm phát — bao gồm phi toàn cầu hóa và phi cacbon hóa — sẽ hỗ trợ đồng USD, các nhà phân tích tại Macquarie Bank viết trong một ghi chú vào thứ Hai (22/7).

Theo Business Insider