‘Đại dương trên mây’ cách Hà Nội 200km: Đỉnh núi gần 3.000m cao thứ 7 Việt Nam, nơi hiếm hoi có tuyết xuất hiện
(Thị trường tài chính) -Đỉnh núi này có độ cao 2.979m so với mực nước biển, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Yên Bái, Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, cách Hà Nội hơn 200km. Đây là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Với độ cao 2.979m so với mực nước biển, Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 7 ở Việt Nam.
Đỉnh Tà Chì Nhù nằm ở độ cao 2.979m. Ảnh: Báo Nhân Dân
Ngọn núi này có nhiều tên gọi khác nhau. Người Thái gọi nó là Phu Song Sung, còn người Mông gọi là Chung Chua Nhà. Tuy nhiên, cái tên Tà Chì Nhù lại phổ biến nhất. Theo tiếng Mông, "Nhù" nghĩa là con trâu, "Chì" là vết chân, và khi ghép lại, Tà Chì Nhù có nghĩa là "núi Chân Trâu". Đây cũng là nơi người dân thường thả rông trâu để chúng tự do gặm cỏ, uống nước.
Tà Chì Nhù hiện lên với vẻ đẹp vô cùng huy hoàng trước ánh bình minh. Ảnh: Sơn Tùng
Để chinh phục đỉnh núi này, ngoài di chuyển theo hướng từ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, còn một cung đường nữa cũng đang được du khách, những người ham chinh phục lựa chọn - đó chính là di chuyển qua bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Núi Tà Chì Nhù sở hữu địa hình đa dạng, phong phú về thảm thực vật. Ở mỗi độ cao khác nhau, du khách sẽ được ngắm nhìn những cảnh quan độc đáo như rừng nguyên sinh, đồng cỏ, rừng trúc, suối khoáng nóng... Đặc biệt, những bông hoa đỗ quyên đỏ rực, được ví như "nữ hoàng hoa rừng Tây Bắc", chỉ nở rộ trên các vùng núi hiểm trở.
Chặng đường chinh phục Tà Chì Nhù thay đổi liên tục. Ảnh: Báo Nhân Dân
Dù có vẻ đẹp mê hồn, địa hình của Tà Chì Nhù lại khá phức tạp với nhiều dốc cao, đôi chỗ gần như dựng đứng. Khí hậu trên núi rất khắc nghiệt, gió mạnh, khiến việc leo núi trở nên vất vả. Du khách nên tránh trekking Tà Chì Nhù vào những ngày mưa. Khi đó, các con đường đất sẽ trở thành bùn nhão, khá khó trong việc di chuyển.
Mặc dù hành trình lên đỉnh đầy thử thách, cảnh sắc thiên nhiên mà bạn được chiêm ngưỡng sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra. Trên đường đi, du khách có thể dừng chân để nghỉ ngơi và ghi lại những khoảnh khắc với áng mây trắng trôi lững lờ bên những cánh rừng già.
Một điểm nhấn không thể bỏ qua khi chinh phục Tà Chì Nhù là sống lưng kỳ vĩ của khối núi Pú Luông. Đây được xem là một trong những đoạn đường đẹp nhất, nơi mà từ bình minh đến hoàng hôn, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh không gian núi rừng hùng vĩ, không bị che khuất bởi bất kỳ vật cản nào.
Thảo nguyên tím hoa chi pâu nở rộ vào tháng 10. Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt, vào mùa hoa chi pâu nở, Tà Chì Nhù như được khoác lên mình một tấm áo tím lãng mạn. Những cánh đồng hoa chi pâu nhuộm tím khắp các triền núi, tạo nên một khung cảnh đẹp ngỡ ngàng. Sắc tím của hoa nổi bật trên nền cỏ xanh mướt chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Khi chinh phục đến đỉnh núi, ở độ cao 2.979m, du khách sẽ được ngắm nhìn cả một biển mây trắng xóa lơ lửng trôi theo gió. Sự kết hợp giữa mây trời và sắc tím của hoa chi pâu tạo nên một cảnh tượng mơ màng như bước vào cõi thần tiên. Bình minh trên đỉnh Tà Chì Nhù càng thêm phần huyền ảo với ánh nắng dịu nhẹ xuyên qua màn sương mỏng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động và tuyệt đẹp.
Biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù. Ảnh: Sơn Tùng
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, từ tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm lý tưởng để ngắm hoa, còn từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa săn mây.
Băng tuyết trên đỉnh Tà Chì Nhù. Ảnh: VOV
Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng 1, khi nhiệt độ xuống thấp, Tà Chì Nhù có thể khoác lên mình một lớp tuyết trắng, khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích khám phá và chụp lại khoảnh khắc tuyết rơi giữa mùa đông trên "nóc nhà" Yên Bái.