Siêu đập vỡ tan ‘nuốt chửng’ hơn 200 người: Điều động 5.000 cảnh sát vào cuộc, sơ tán khẩn cấp 24.000 dân làng
(Thị trường tài chính) - Sự cố này lọt vào top 3 thảm họa môi trường kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngày 25/1/2019, một đập chứa chất thải tại mỏ quặng sắt ở Brumadinho, bang Minas Gerais, Brazil, đã vỡ, gây ra thảm họa môi trường được coi là nghiêm trọng nhất thế kỷ 21. Sự cố này đã cướp đi sinh mạng của 272 người và dẫn đến một cuộc khủng hoảng nước sạch khi chất thải tràn ra các con sông và đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.
Khoảng 12 triệu m³ (tương đương 2,6 tỷ gallon) chất thải khoáng sản đã phá vỡ đập chứa, tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ vào đúng lúc các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa. Lượng bùn độc hại này sau đó san phẳng các khu dân cư gần đó, cuốn trôi nhà cửa, phá hủy một cây cầu đường sắt và làm ô nhiễm nghiêm trọng dòng sông Paraopeba.
Ngay sau sự cố, khoảng 5.000 nhân viên cứu hộ đã được huy động để tiến hành sơ tán hơn 24.000 cư dân và tìm kiếm những người mất tích. Ngoài thiệt hại về người, thảm họa còn tàn phá hàng loạt khu vực nông nghiệp, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi địa phương. Nguồn nước sông Paraopeba bị ô nhiễm nghiêm trọng, không còn khả năng sử dụng, gây ra nguy cơ cho sức khỏe con người và động vật. Ô nhiễm này lan rộng tới các cộng đồng cách Brumadinho ít nhất 120km.
Được xem là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, sự cố này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người. Nó còn được xếp vào top 3 thảm họa môi trường khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ sau hai thảm họa xảy ra vào thế kỷ trước.
Công ty Vale, đơn vị quản lý mỏ, đã thuê một nhóm chuyên gia để điều tra nguyên nhân và công bố báo cáo vào tháng 12/2019. Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến vụ vỡ đập là do lượng nước tích tụ quá lớn trong mùa mưa, trong khi hệ thống thoát nước của đập không đủ mạnh. Nước lũ làm cho các chất thải ban đầu ở dạng rắn trở nên nhão, gây áp lực lớn lên đập dẫn đến vỡ.
Được biết, trước đó vào năm 2015, Brazil cũng phải đối mặt với một thảm họa tương tự khi đập chứa chất thải Fundão, thuộc liên doanh giữa Vale và BHP, bị vỡ. Sự cố này đã gây ra việc gần 40 triệu m³ chất thải cực độc tràn ra khu vực Mariana, cũng thuộc bang Minas Gerais, khiến 19 người thiệt mạng và làm ngập 39 thị trấn.
Theo Guardian