Phát hiện hóa thạch thực vật 400 triệu năm cực kỳ hiếm gặp, làm sáng tỏ sự thay đổi sinh thái của Trái Đất
(Thị trường tài chính) -Theo các chuyên gia, khoảng 430 triệu năm trước, thực vật bắt đầu quá trình chuyển mình từ biển ra đất liền.
Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện một loài cây nhỏ có niên đại khoảng 410 triệu năm tại thành phố Duyun, tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc, mang lại những cái nhìn mới về quá trình "cây cỏ chiếm lĩnh đất liền".
Hình ảnh một phần hệ thực vật Mangshan đầu kỷ Devon, với quần thể thực vật Zosterophyllum ở phía trước. Ảnh: Xinhua
Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cây Zosterophyllum mà họ phát hiện chỉ cao vỏn vẹn 45 milimet, với chóp tán bào tử dài chỉ từ 5,8 đến 10,8 milimet. So với chiều dài thông thường từ 100 đến 200 milimet của các loài cây tương tự từ thời kỳ đó, kích thước khiêm tốn của loài cây này là một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng loài cây nhỏ này có nhu cầu dinh dưỡng và sinh sản ít, tuổi thọ ngắn và hoàn thành chu kỳ sống của mình rất nhanh. Khả năng thích nghi này được cho là phù hợp với môi trường khắc nghiệt của thời kỳ đó, giúp cây cối sống sót trong những điều kiện khó khăn.
Ảnh do Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cung cấp, cho thấy hóa thạch của cây Zosterophyllum. Ảnh: Xinhua
Theo các chuyên gia, khoảng 430 triệu năm trước, thực vật bắt đầu quá trình chuyển mình từ biển ra đất liền, đây là quá trình đã thay đổi đáng kể môi trường sinh thái của Trái Đất. Kết quả nghiên cứu được công bố trong Proceedings of the Royal Society B ngày 15/1.