Loại hạt ăn vặt quen thuộc có thể giúp giảm nguy cơ mắc 3 loại ung thư
(Thị trường tài chính) - Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ loại hạt này với việc giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
Hạnh đào tên khoa học là Prunus dulcis) là một loài cây có nguồn gốc từ Trung Đông và Nam Á, thuộc chi Prunus (chi Mận mơ). Phần nhân của quả hạnh đào thường được biết đến là hạnh nhân, là một nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn.
Tại Việt Nam, cây hạnh nhân đang được nhân giống và trồng ở một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,... Quả hạnh nhân khi chín có kích thước lớn hơn quả mơ và thuộc cùng họ. Sau khi chín, quả hạnh nhân được tách vỏ và phơi khô để lấy hạt.
Sau khi chín, quả hạnh nhân được tách vỏ và phơi khô để lấy hạt
Cây hạnh nhân là loại cây thân gỗ, cao khoảng 12m với hoa màu hồng nhạt thường nở vào mùa xuân. Đây là loại cây duy nhất trong chi được trồng chủ yếu để thu hoạch hạt ăn.
Theo Trường Y Harvard, Mỹ, hạnh nhân cung cấp chất béo không bão hòa đơn, vitamin E, mangan, magie và protein thực vật. Việc ăn hạnh nhân được cho là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện sự cân bằng axit béo trong máu và giảm tổn thương tế bào – nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, bao gồm ung thư.
Hạnh nhân chứa gamma-tocopherol, một dạng của vitamin E hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại các gốc tự do và quá trình oxy hóa có liên quan đến ung thư. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ hạnh nhân với việc giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt và ung thư vú, theo Báo Sức khỏe & Đời sống.
Việc ăn hạnh nhân được cho là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện sự cân bằng axit béo trong máu và giảm tổn thương tế bào
Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Yale cũng cho thấy những người mắc ung thư đại tràng thường xuyên ăn các loại hạt có vỏ cứng như hạnh nhân, óc chó, hạt phỉ, hạt điều và hồ đào có nguy cơ tái phát bệnh “thấp hơn đáng kể” so với những người không ăn hạt.
Nghiên cứu đã theo dõi 826 người mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3 trong khoảng 6,5 năm sau phẫu thuật và hóa trị. Kết quả cho thấy, những người ăn ít nhất hai phần hạt có vỏ cứng (mỗi phần khoảng 1 ounce, tương đương 38g) có tỉ lệ sống không tái phát bệnh cao hơn 42% và tỉ lệ sống sót chung cao hơn 57%.
Giáo sư Charles Fuchs, Giám đốc Trung tâm Ung thư Yale và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Phân tích sâu hơn cho thấy tỉ lệ sống không tái phát bệnh tăng 46% ở nhóm người ăn hạt có vỏ cứng so với nhóm ăn lạc”.
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ hạnh nhân với việc giảm nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt và ung thư vú
Dù vậy, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng “chúng tôi chưa rõ chính xác vì sao hạt có vỏ cứng mang lại những lợi ích này”. Lợi ích có thể đến từ việc hạt có vỏ cứng giúp giảm cảm giác đói với ít carbohydrat hơn hoặc từ việc tránh các loại thực phẩm có liên hệ đến kết quả xấu hơn.
Nghiên cứu của Đại học Yale bổ sung thêm bằng chứng về lợi ích sức khỏe của các loại hạt. Một nghiên cứu trước đó vào năm 2016 cũng phát hiện rằng ăn một nắm hạt có vỏ cứng mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, từ ung thư đến bệnh tim.