HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam

Thái Hà

(Thị trường tài chính) -Các nhà khảo cổ học từ Viện Khảo cổ Việt Nam đã phát hiện nhiều cổ vật quý giá và những dấu ấn kiến trúc Chăm Pa cổ, có niên đại từ thế kỷ IV tại khu vực này.

Di tích khảo cổ Đồng Miếu nằm tại thượng nguồn sông Ba, cách TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), khoảng 10km và cách Thành Hồ (Trung tâm hành chính của Chăm Pa xưa, nay là Trung tâm hành chính huyện Phú Hòa) chừng 2km. Năm 2019, các nhà khảo cổ học từ Viện Khảo cổ Việt Nam đã phát hiện nhiều cổ vật quý giá và những dấu ấn kiến trúc Chăm Pa cổ, có niên đại từ thế kỷ IV tại khu vực này.

Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam - ảnh 1

Dấu ấn công trình tháp Chăm bằng gạch được các nhà khảo cổ học phát hiện. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã làm lộ diện gần như toàn bộ bức tường phía Tây, một phần nhỏ của tường phía Bắc và lòng di tích. Họ đã xác định đây là phần còn lại của một ngôi đền thờ Chăm Pa, loại kiến trúc thường được gọi là tháp Chàm.

Về mặt kiến trúc, các đền thờ Chăm Pa thường có bình đồ vuông hoặc chữ nhật, với nền móng được gia cố kỹ lưỡng và vững chắc. Phần thân tháp (tường) và mái tháp được xây giật cấp rõ ràng, tạo nên những điểm ranh giới giữa các phần của tháp. 

Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam - ảnh 2

Các mảnh gốm cổ được phát hiện tại di tích. Ảnh: Báo Dân Trí

Tại di tích Đồng Miếu, quá trình khai quật đã làm rõ cấu trúc nền móng và một phần thân tháp. Những hiện vật quan trọng được phát hiện bao gồm Linga bằng gạch nung và Yoni bằng đá, hai biểu tượng thường thấy trong kiến trúc Chăm. Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều yếu tố kiến trúc đặc trưng của tháp Chăm, với các chi tiết trang trí giật cấp, xây úp chậu... 

Điều đặc biệt của kiến trúc tháp tại đây là toàn bộ đều được xây dựng bằng chất liệu gạch và còn khá nguyên vẹn. Trong khi đó, kiến trúc tháp Chăm ở một số nơi khác còn có thêm chất liệu bằng đá. Các hiện vật và dấu ấn của công trình kiến trúc Chăm được phát hiện tại Đồng Miễu có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV.

Những phát hiện này và sự tồn tại của Di tích khảo cổ Quốc gia Thành Hồ (cách khu vực Đồng Miễu khoảng 1km và đã được công nhận vào năm 2005) có nhiều ý nghĩa trong nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Chăm Pa.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông nhận định đây là một phế tích Chăm Pa, khi tiến hành khai quật đã làm lộ diện cấu trúc của nền, móng, đế, bộ phận thân của ngôi đền thờ đã sụp đổ từ lâu.

 
Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam - ảnh 3

Phế tích Chăm Pa cổ được tìm thấy. Ảnh: Báo Dân Trí

Qua khảo sát, Tiến sĩ Đông cho biết thêm: “Điều tra kỹ khu vực xung quanh di tích, chúng tôi phát hiện dấu tích của một cây cầu và một con đập, có thể đây là sản phẩm của thời kỳ Chăm Pa. Trên nền đất gần nơi con sông cổ và con đập, chúng tôi thu lượm được những mảnh gốm Chăm cổ, gốm có hoa văn in ô vuông kiểu Hán. Nơi đây cũng đã phát hiện những hũ tiền đồng lớn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên”.

Theo Tiến sĩ Đông, căn cứ vào loại gạch, chất liệu khác nhau của hai lần xây dựng, các nhà khảo cổ dần đi đến giả thuyết lần đầu xây dựng tháp này vào khoảng thế kỷ IV, lần sau muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ V.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông đưa ra kết luận: “Đây là di tích đền tháp xây gạch Chăm Pa có niên đại sớm nhất được biết đến lần đầu tiên trong văn hóa Chăm xưa. Di tích này chưa bao giờ được các nhà khoa học Pháp biết đến. Từ trước đến nay, các nghiên cứu về kiến trúc Chăm Pa đều cho rằng có từ thế kỷ thứ VII”.

Khai quật khu phế tích, các nhà khảo cổ phát hiện Thánh địa cùng nhiều ‘kho báu’ bị chôn vùi từ 17 thế kỷ trước, là di tích Chăm cổ nhất Việt Nam - ảnh 4
 

Hiện vật thu được qua khảo cổ. Ảnh: Báo Dân Trí

Vị trí của di tích Đồng Miếu cũng củng cố lý thuyết của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng về các lãnh thổ và Thánh địa Chăm Pa. Nơi đây có thể từng là một khu Thánh địa được các chủ nhân Chăm cổ chọn lựa, tuy nhiên, do hạn chế về kinh nghiệm trong việc xây dựng với vật liệu gạch, công trình này đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn, với nhiều lần sụp đổ do tác động của thiên tai và chiến tranh.

Vào thời kỳ sau, những cuộc nội chiến giữa các tiểu vùng, tiểu quốc Chăm đã làm suy sụp cả Thành Hồ lẫn Thánh địa của nó. Tuy nhiên, di tích này vẫn là một điểm sáng trên bản đồ di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam với giá trị lịch sử - văn hóa rất lớn và đáng trân trọng.