Trương Mỹ Lan tuyên bố gần 6.100 tỷ đồng chuyển cho ‘Chúa đảo Tuần Châu’ không liên quan đến SCB
(Thị trường tài chính) - Bà Trương Mỹ Lan khai rằng đã sử dụng nguồn vốn từ Vạn Thịnh Phát cùng khoản vay từ bạn bè để hỗ trợ Tập đoàn Tuần Châu phát triển dự án tại Quảng Ninh.
Vào chiều ngày 22/11, phiên tòa phúc thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo khác trong giai đoạn 1 vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan tiếp tục với phần tranh luận.
Theo báo Pháp luật TP. HCM, trong phần tranh luận bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan đề cập đến khoản tiền hơn 6.000 tỷ đồng mà bà đã cho Tập đoàn Tuần Châu mượn. Theo lời bà Lan, giao dịch này diễn ra thông qua các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và dự án với Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT.
Cụ thể, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Tuyển) cùng 2 công ty thuộc Tập đoàn Tuần Châu là Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long đã nhận tổng cộng 6.095 tỷ đồng từ phía bà Trương Mỹ Lan, bao gồm 2 khoản chính.
Khoản đầu tiên là 3.179 tỷ đồng, trong đó 1.411 tỷ đồng được thanh toán theo thỏa thuận chuyển nhượng 70,59% cổ phần của Công ty T&H Hạ Long. Số tiền 1.768 tỷ đồng còn lại đang được bàn bạc để đối trừ vào các khoản bà Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.
Khoản thứ hai là 2.916 tỷ đồng, do Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long nhận từ 5 công ty của bà Lan thông qua các thỏa thuận hợp tác và chuyển giao tài sản. Các tài sản này bao gồm 243 căn nhà liền kề thuộc hai dự án Khu biệt thự Morning Star và Khu biệt thự Hoàng Long, được thế chấp để đảm bảo khoản vay tại SCB.
Ngoài ra, Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long đã dùng 32 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm dư nợ cho 32 khoản vay.
Hình ảnh bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa (Ảnh: Nguyệt Nhi)
Bản án sơ thẩm tuyên buộc Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng nhằm đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bà Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Về giao dịch này, bà Lan cho biết việc hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu bắt đầu từ năm 2016, với mục tiêu phát triển các dự án tại phường Tuần Châu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thành các khu đô thị tầm cỡ quốc tế. Theo bà, để kêu gọi đầu tư, bà đã dùng tiền từ Vạn Thịnh Phát cũng như mượn tiền của bạn bè để cho Tập đoàn Tuần Châu vay, đầu tư phát triển hạ tầng. Bà Lan khẳng định hơn 6.000 tỷ đồng đã chuyển cho Tuần Châu là tiền cá nhân, không liên quan đến SCB.
"Ngân hàng SCB muốn khẳng định 6.000 tỷ đồng đó là của mình thì cần phải có chứng cứ. Các tài sản thuộc Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh hiện đang thế chấp tại SCB là từ ông Đào Anh Tuấn, người nể mặt tôi, đã mang tài sản của mình cho ngân hàng mượn để tái cơ cấu", bà Lan nói.
Phía ông Đào Anh Tuấn, thông qua người đại diện, cho biết ông là chủ sở hữu của 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty T&H Hạ Long. Các tài sản này hiện nằm trong 1.121 mã tài sản bị kê biên, theo bản án sơ thẩm và được giao cho SCB xử lý.
Người đại diện của ông Tuấn đề nghị tòa xem xét loại bỏ 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra khỏi vụ án hình sự để các bên tự giải quyết tranh chấp bằng vụ án dân sự.
Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, HĐXX thông báo để đảm bảo phần tranh luận về dân sự được liền mạch, phiên tòa sẽ tạm ngưng. Vào sáng ngày 25/11, đại diện VKS sẽ bắt đầu phần tranh luận đối đáp.