Tìm thấy ‘chiếc điện thoại iPhone’ có niên đại hơn 2.000 năm khi khai quật mộ cổ khiến chuyên gia ngỡ ngàng
(Thị trường tài chính) - Với kích thước 18x9cm, ‘chiếc điện thoại iPhone; này được trang trí độc đáo có kiểu dáng tương tự chiếc điện thoại hiện đại.
Năm 2019, một nhóm khảo cổ học đã khám phá ra một món đồ trang trí độc đáo có kiểu dáng tương tự chiếc điện thoại hiện đại, vừa vặn trong lòng bàn tay, trong quá trình nghiên cứu tại một địa điểm được mệnh danh là “Atlantis của Nga”.
Cụ thể, các nhà khảo cổ đã phát hiện một bộ xương cùng một vật thể có hình dáng tương tự như chiếc điện thoại iPhone có niên đại 2.137 năm, khi khai quật lăng mộ cổ của một phụ nữ ở vùng Siberia, Nga.
Vật thể hình chữ nhật này, với kích thước 18x9 cm được phát hiện trong ngôi mộ của một phụ nữ và làm từ một loại vật liệu có màu đen xám. Trên bề mặt của nó còn đính nhiều loại đá bán quý lấp lánh như ngọc lam, hồng ngọc tủy (carnelian) và xà cừ. Các nhà khảo cổ đã đặt biệt danh cho vật thể này là "IPhone", theo Đài RT. Chủ nhân của nó, được gọi vui là “Natasha” đã khiến phát hiện này càng thêm thú vị.
"Natasha" cùng chiếc "iPhone" được tìm thấy. Ảnh: HMC RAS/Pavel Leus
Tuy nhiên, rõ ràng không có chuyện chiếc iPhone ra đời cách đây hàng ngàn năm, bởi chiếc iPhone đầu tiên chỉ được phát hành vào năm 2007. Vật thể này có thể thực chất là chiếc khóa thắt lưng của phụ nữ thời đó.
Tiến sĩ Pavel Leus, thành viên của nhóm khảo cổ, cho biết: "Việc chôn cất Natasha cùng với chiếc ‘iPhone’ thời Hung Nô là một trong những phát hiện đáng chú ý nhất tại khu vực này."
Những đồng tiền ngũ thù từ thời nhà Hán được gắn vào chiếc thắt lưng đã giúp xác định niên đại của vật thể này là 2.137 năm. Bên cạnh "Natasha", nhóm khảo cổ cũng phát hiện lăng mộ của một thợ gia công đồ da.
Tiến sĩ Marina Kilunovskaya từ Viện Văn hóa Lịch sử Vật chất St. Petersburg nhận định đây là một phát hiện mang tính đột phá, đồng thời nhấn mạnh sự may mắn của nhóm khảo cổ khi tìm thấy khu vực này.
Chiếc “iPhone” là một trong số nhiều hiện vật thú vị được tìm thấy tại nghĩa địa Ala-Tey, thuộc Cộng hòa Tuva, một khu vực giáp biên giới với Mông Cổ. Khu vực này còn được gọi là "Atlantis của Nga", do nằm dưới đáy của hồ chứa Sayan, được hình thành từ nhà máy thủy điện Sayano-Shushenskaya. Vào mùa hè, khi nước rút, các nhà khoa học có thể tiếp cận các di tích từ thời đại đồ đồng đến thời Thành Cát Tư Hãn.