Hố thiên thạch rộng tới 22km2 hình thành từ 500 triệu năm trước giữa đại dương, nay là cánh đồng nông nghiệp màu mỡ ven biển
(Thị trường tài chính) - Trải qua nhiều biến đổi, từ chìm dưới băng đến nay hố thiên thạch này đã trở thành vùng đất nông nghiệp giàu tính đa dạng sinh học.
Hơn 500 triệu năm trước một thiên thạch khổng lồ đã lao xuống Trái Đất, tạo nên một hố va chạm khổng lồ gần Vòng Nam Cực. Theo thời gian, sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo đã đưa “vết sẹo” này dần tiến lên Bắc bán cầu.
Ngày nay, địa điểm va chạm cổ xưa được biết đến với tên gọi hố thiên thạch Soderfjarden. Chiếc hố rộng 22 km² nằm ở bờ biển phía tây Phần Lan, gần Vịnh Bothnia, nhánh phía bắc của Biển Baltic. Với đường kính hơn 5,5 km, Soderfjarden hiện là một cụm cánh đồng nông nghiệp màu mỡ. Đặc biệt, hình dạng lục giác độc đáo của hố khiến giới khoa học thích thú, bởi nó mang đến những hiểu biết quan trọng về lịch sử địa chất Trái Đất và các quá trình động lực học trong hệ Mặt Trời.
Tuy nhiên, Soderfjarden không phải lúc nào cũng là đất liền. Khoảng 20.000 năm trước, trong thời kỳ Cực đại Băng hà Cuối cùng, một tấm băng dày nặng đã đè nén khu vực này, làm đất lún xuống hàng trăm mét. Khi băng tan, đất bắt đầu dâng lên nhanh chóng.
Vài thế kỷ gần đây, hố thiên thạch bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước, ban đầu xuất hiện như một vịnh nhỏ – đúng với ý nghĩa của cái tên “vịnh phía nam” trong tiếng địa phương. Người dân từng câu cá pike và perch tại đây cho đến thế kỷ 18. Khi mặt đất tiếp tục nâng lên, vùng vịnh dần trở thành đất ngập nước và cuối cùng là vùng trũng nội địa.
Ban đầu, Soderfjarden phủ đầy lau sậy và cây cói, nguồn thức ăn chính cho gia súc. Đầu thế kỷ 19, người dân lắp đặt máy bơm để thoát nước, mở rộng diện tích canh tác. Hố thiên thạch nhanh chóng trở thành trung tâm nông nghiệp sôi động với hàng nghìn nhà kho chứa cỏ khô và thức ăn gia súc, đỉnh điểm lên tới 3.000 nhà kho vào những năm 1940-1950, theo trung tâm du khách Soderfjarden.
Ngày nay, Soderfjarden chủ yếu được dùng để trồng các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì và yến mạch. Đồng thời, khu vực này còn là nơi dừng chân lý tưởng cho hàng nghìn con sếu cổ trắng trong hành trình di cư mùa xuân và mùa thu. Tuy nhiên, do nằm ở vùng đất thấp, hệ thống bơm nước vẫn được duy trì để bảo vệ các cánh đồng.
Với hình dạng lục giác hiếm gặp, Soderfjarden đã trở thành một đối tượng nghiên cứu đặc biệt. Các nhà khoa học coi đây là “mẫu tốt nhất của cấu trúc va chạm hình lục giác trên Trái Đất”. Trong số hàng ngàn hố va chạm thường có dạng tròn, hố đa giác như Soderfjarden là trường hợp hiếm, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Hố đa giác không chỉ tồn tại trên Trái Đất mà còn được tìm thấy trên nhiều thiên thể khác trong hệ Mặt Trời, từ sao Thủy đến mặt trăng Charon của sao Diêm Vương. Các tàu vũ trụ như Voyager 2, Cassini và MESSENGER từng ghi lại những cấu trúc tương tự trên bề mặt các hành tinh và mặt trăng.
Theo giới khoa học, các đoạn thẳng dọc theo vành hố đa giác hình thành ở những khu vực có đường đứt gãy hoặc vết nứt địa chất. Điều này giúp các nhà nghiên cứu khai thác thông tin quý giá về lịch sử địa chất của hành tinh và mặt trăng, ngay cả khi không thể quan sát trực tiếp từ bên ngoài.