Đi theo Google Maps, ô tô lao ra khỏi cây cầu chưa xây xong khiến 3 người đàn ông tử vong
(Thị trường tài chính) - Do đi theo chỉ dẫn của Google Maps, chiếc xe ô tô con chở theo 3 người đàn ông đã đi tới một cây cầu đang thi công rồi gặp nạn lao xuống sông khiến cả 3 đều tử vong.
Theo India Today, cảnh sát địa phương cho biết ba người đã tử vong sau khi xe của họ lao xuống một cây cầu chưa hoàn thiện do Google Maps dẫn đường sai. Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 23/11 tại quận Bareilly, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Chiếc xe rơi từ độ cao 15m xuống khu vực sông bên dưới.
Người dân địa phương phát hiện chiếc xe hư hỏng nặng và lập tức báo cảnh sát. Cả ba nạn nhân đều không qua khỏi. Cảnh sát xác định danh tính hai trong số ba nạn nhân là Vivek và Amit. Trước khi gặp nạn, họ dự định đi từ Gurugram đến thành phố Bareilly để tham dự đám cưới của một người bạn.
“Sau khi khám nghiệm tử thi, chúng tôi xác định các nạn nhân tử vong do rơi từ trên cầu xuống. Họ đã đi nhầm đường vào một cây cầu chưa hoàn thiện. Các nạn nhân sử dụng chiếc xe đi thuê”, đại diện cảnh sát địa phương cho biết.
Cũng theo vị này, cảnh sát đang điều tra danh tính nạn nhân thứ 3. Hiện gia đình các nạn nhân đổ lỗi cho giới chức địa phương là người gián tiếp gây ra tai nạn. Họ đặt câu hỏi tại sao không có rào chắn báo hiệu công trình chưa hoàn thiện.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, cảnh sát đã lập biên bản báo cáo sự cố liên quan đến công trình với cáo buộc sơ suất từ chính quyền địa phương.
Đây không phải là lần đầu tiên các sự việc thương tâm liên quan đến Google Maps. Trước đó, vào tháng 9/2022, ông Philip Paxson, cư dân North Carolina, Mỹ đã tử vong sau khi rơi khỏi cây cầu bị sập vì đi theo chỉ dẫn từ Google Maps.
Theo ảnh chụp hiện trường, cây cầu có dấu hiệu sập rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo đơn kiện từ gia đình nạn nhân, ông Paxson lái xe vào đêm khuya trong điều kiện mưa lớn khiến tầm nhìn bị hạn chế, dẫn đến việc không kịp nhận ra nguy hiểm. Nạn nhân đã rơi từ độ cao 6m xuống dưới khi đang ngồi trong xe và không qua khỏi.
Cảnh sát cho biết cây cầu không có rào chắn, biển cảnh báo hay bất kỳ dấu hiệu nào khác để người qua đường nhận biết nguy cơ. Đáng chú ý, cây cầu này đã bị sập gần 10 năm trước và không còn khả năng sử dụng. Tuy nhiên, trên Google Maps, đoạn đường này vẫn được hiển thị như một tuyến đường bình thường.
Theo vị luật sư đại diện gia đình, ông Paxson không phải là người duy nhất gặp rắc rối tại cây cầu này. Trước đây, nhiều người đã được Google Maps chỉ dẫn qua cây cầu nhưng kịp thời quay đầu hoặc may mắn chỉ bị thương nhẹ sau các tai nạn.
Vụ việc một lần nữa dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc duy trì dữ liệu bản đồ chính xác, cũng như đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực hạ tầng xuống cấp.