‘Chốt’ phương án xây cầu vượt sông Thái Bình theo kiến trúc ‘Cánh cò’: Ước tính tổng đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, chiều dài 2,5km
(Thị trường tài chính) - UBND tỉnh Hải Dương chính thức phê duyệt phương án cầu vượt sông Thái Bình với tổng mức đầu tư hơn 1.228 tỷ đồng.
Thao thông tin đăng tải trên Báo Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã chính thức phê duyệt phương án thiết kế cầu vượt sông Thái Bình, một hạng mục quan trọng trong dự án xây dựng cầu vượt trên tuyến đường vành đai I TP Hải Dương. Thiết kế được chọn có tên gọi "Cánh cò", do Công ty Tư vấn Công trình Châu Á Thái Bình Dương thực hiện.
UBND tỉnh Hải Dương chính thức phê duyệt phương án cầu vượt sông Thái Bình với tổng mức đầu tư hơn 1.228 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Theo thông báo từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Hải Dương, phương án thiết kế mang mã số AB6789 và tên gọi "Cánh cò" đã giành giải nhất trong cuộc thi tuyển chọn. Đây sẽ là phương án chính thức được triển khai để lập thiết kế cơ sở và bản vẽ thi công cho dự án cầu vượt sông Thái Bình.
Với hình tượng cánh cò đang vươn mình bay lên từ mặt nước, thiết kế "Cánh cò" không chỉ có tính nghệ thuật cao mà còn mang đến một biểu tượng đẹp mắt, hứa hẹn sẽ trở thành một điểm nhấn đặc sắc cho công trình cầu vượt này.
Dự án cầu vượt sông Thái Bình nằm trên tuyến đường vành đai I TP Hải Dương (đoạn từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390C), với tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.228 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được trích từ ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Thiết kế kiến trúc theo kiểu "Cánh cò" sẽ mang đến một biểu tượng đẹp mắt và ấn tượng. Ảnh: Báo Hải Dương
Cầu vượt sông Thái Bình có chiều dài 663m, kèm theo các đoạn đường dẫn ở hai đầu cầu. Đoạn đường dẫn phía xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) dài 437m, còn đoạn đường dẫn phía xã Tiền Tiến nối với đường tỉnh 390C dài 1.400m.
Công trình cầu vượt sẽ được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, đảm bảo độ bền vững cao. Mặt cắt cầu rộng 22,5m, bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn hỗn hợp, với dải phân cách ở giữa để phân tách các phương tiện giao thông.
Đoạn đường từ tỉnh lộ 391 đến cầu dài 437m, có mặt đường rộng 22m với dải phân cách giữa, trong khi phần còn lại, từ cầu vượt sông Thái Bình đến đường tỉnh 390C, dài 1.400m, sẽ được đầu tư theo quy mô mặt cắt ngang 1/2 bên trái tuyến, với mặt đường rộng 11m nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi.
Phương án kiến trúc khai thác hình tượng "Cánh cò" cất cánh từ mặt nước, nơi miền đất bình yên, đất lành chim đậu... của Công ty Tư vấn công trình châu Á Thái Bình Dương được lựa chọn. Ảnh: Báo Giao Thông
Ngoài các hạng mục chính, dự án cũng sẽ xây dựng thêm các hệ thống hạ tầng như nút giao thông, hệ thống thoát nước, báo hiệu giao thông, chiếu sáng và các công trình kỹ thuật khác.
Dự án thuộc nhóm B và sẽ do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến 2027.
Mục tiêu của dự án chính là hoàn thiện tuyến đường vành đai I TP Hải Dương, đồng thời, mở rộng không gian đô thị, kết nối TP Hải Dương với các huyện lân cận, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tỉnh Hải Dương.