Chàng trai 9X từ bỏ cơ hội học tiến sĩ để đi bán bánh bao: Mở liền 40 chi nhánh trong thời gian ngắn, kiếm hơn 700 triệu đồng/ngày

Minh Phát

(Thị trường tài chính) - Ban đầu, anh chỉ bán sữa đậu nành để kiếm tiền mua điện thoại. Đây cũng là cơ duyên đưa anh đến với ngành ẩm thực và trở thành ông chủ của 40 cửa hàng bánh bao.

Sinh ra trong một gia đình bình thường tại vùng nông thôn Trung Quốc, Bành Dương Hâm sớm ý thức được giá trị của lao động.  Năm nhất đại học, Bành Dương Hâm tự mình bán sữa đậu nành chỉ với một mục tiêu duy nhất: kiếm tiền mua điện thoại di động. Nhưng không ngờ, "máu kinh doanh" dần ngấm vào anh lúc nào không hay. 

Trong suốt những năm học đại học và cao học, anh luôn tận dụng thời gian rảnh để thử sức với các hoạt động kinh doanh. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh thừa nhận: "Giờ nghĩ lại, có lẽ tôi sẽ chẳng còn đủ dũng khí để làm như vậy. Sĩ diện mà, nhỡ bạn bè nhìn thấy thì sao… Hồi đó mặt dày thật".

Chàng trai 9X từ bỏ cơ hội học tiến sĩ để đi bán bánh bao: Mở liền 40 chi nhánh trong thời gian ngắn, kiếm hơn 700 triệu đồng/ngày - ảnh 1

Đến năm ba đại học, do lịch học dày đặc, anh nhượng lại quán sữa đậu nành cho một đàn em khóa dưới để tập trung cho việc học và thi lên thạc sĩ. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn học cao học, có nhiều thời gian hơn, anh lại tiếp tục thử sức trong kinh doanh. Lần này, anh mua lại một cửa hàng gần trường, kết hợp bán sushi, cà phê, trà sữa và mở thêm một cửa hàng đàn piano kiêm dạy nhạc. Để mở rộng quy mô, anh huy động vốn bằng cách kêu gọi đầu tư. Việc kinh doanh thuận lợi giúp anh sớm sở hữu chiếc xe hơi đầu tiên trong đời.

Tuy nhiên, khi có cơ hội thực tập tại Bắc Kinh, anh quyết định chuyển nhượng lại toàn bộ cửa hàng để chuyên tâm cho hướng đi mới. Đây cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh là từ chối tiếp tục học tiến sĩ theo mong muốn của mẹ để theo đuổi con đường kinh doanh ẩm thực một cách nghiêm túc.

Ban đầu, bán sữa đậu nành chỉ là cách để kiếm tiền mua điện thoại. Nhưng khi chọn gắn bó lâu dài với ngành ẩm thực, Bành Dương Hâm đã có lý do riêng. "Mở cửa hàng đồ ăn là lĩnh vực duy nhất mà tôi thấy không cần dựa vào mối quan hệ, điều kiện gia đình hay tài nguyên. Chỉ cần chăm chỉ, bạn vẫn có thể phát triển lớn mạnh. Đây là cơ hội cho những người có xuất phát điểm bình thường như chúng tôi. Ngành ẩm thực đòi hỏi sự nỗ lực và rèn giũa ý chí. Thành công hay không, 99% phụ thuộc vào sự cố gắng, 1% dựa vào trí tuệ".

Bành Dương Hâm hiện là chủ sở hữu chuỗi 40 cửa hàng bánh bao chiên cùng một xưởng sản xuất riêng. Doanh thu hàng ngày từ hệ thống cửa hàng có thể lên tới 200.000 tệ (khoảng 705 triệu đồng).

Chàng trai 9X từ bỏ cơ hội học tiến sĩ để đi bán bánh bao: Mở liền 40 chi nhánh trong thời gian ngắn, kiếm hơn 700 triệu đồng/ngày - ảnh 2Hình ảnh bên trong xưởng chế biến bánh

Khi được hỏi về bí quyết giúp mình trở thành ông chủ của chuỗi 40 cửa hàng như hiện nay, Bành Dương Hâm không giấu diếm:

Thứ nhất là khả năng nắm bắt thị trường. Anh nhận ra tiềm năng của bánh bao chiên ngay từ khi mở cửa hàng đầu tiên. "Khu vực quanh cửa hàng tôi khi đó chủ yếu bán các món ăn vặt quen thuộc, nhưng không ai bán bánh bao chiên. Tôi nhìn thấy cơ hội thị trường, và thực tế đã chứng minh quyết định của tôi là đúng."

Thứ hai là tối ưu hóa quy trình vận hành. "Làm đồ ăn thường tốn nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến… Điều này không chỉ mất công sức mà còn khó đảm bảo sự đồng đều về hương vị. Sau thời gian thử nghiệm, tôi quyết định mở xưởng chế biến, tự trở thành nhà cung ứng của chính mình. Các công đoạn quan trọng sẽ được xử lý tại xưởng trước khi vận chuyển đến cửa hàng. Nhờ đó, nhân viên có thể tập trung bán hàng, tiết kiệm thời gian và đảm bảo chất lượng sản phẩm."

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp đỡ chị và em gái khởi nghiệp. Hiện tại, cả hai đều sở hữu cửa hàng bánh bao chiên, lập gia đình và mua được nhà tại thành phố.

Dù là một doanh nhân thành công, Bành Dương Hâm vẫn mang trong lòng một nỗi trăn trở lớn. "Tôi không thể chia sẻ niềm vui với mẹ. Với mẹ, kiếm tiền vất vả như tôi không phải là thành công. Mẹ luôn mong tôi chọn một công việc ổn định như giảng viên hay công chức. Trong suy nghĩ của mẹ, cuộc sống lý tưởng là học tiến sĩ, có công việc ổn định, lương cao, mua nhà, mua xe rồi kết hôn. Kinh doanh là con đường bấp bênh, mạo hiểm. Dù tôi có thành công thế nào, mẹ cũng không thật sự vui mừng cho tôi. Tôi nghĩ, vì mẹ thương tôi vất vả nên mới có suy nghĩ như vậy."

Bành Dương Hâm đã tự vạch lối đi riêng và đạt được những thành tựu đáng nể. Nhưng phía sau thành công ấy, anh vẫn mong một ngày nào đó có thể nhận được sự công nhận trọn vẹn từ người mẹ kính yêu của mình.