Tỷ phú bán lẻ đặt cược vào 'mỏ vàng' 380 tỷ USD của châu Á
(Thị trường tài chính) - Tỷ phú Binny Bansal, nhà đồng sáng lập công ty TMĐT Flipkart, tham vọng dùng công nghệ AI để vượt mặt các "ông lớn" bán lẻ châu Á.
Doanh nhân người Ấn Độ Binny Bansal - nhà đồng sáng lập nền tảng thương mại điện tử Flipkart – đang tái xuất thị trường với một dự án khởi nghiệp mới, đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” bán lẻ tại châu Á. Ông kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ sâu rộng sẽ mang lại lợi thế vượt trội.
Tháng 3 vừa qua, Bansal ra mắt Opptra – công ty chuyên vận hành các thương hiệu nhượng quyền địa phương, đại diện cho các nhãn hàng quốc tế tại các thị trường như Ấn Độ, Đông Nam Á và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, bao gồm UAE.

Opptra được tỷ phú Bansal tự cấp vốn, phần lớn nhờ khoản lợi nhuận từ thương vụ bán Flipkart cho Walmart trị giá 16 tỷ USD vào năm 2018 – thương vụ công nghệ lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ, biến ông thành một trong những doanh nhân nổi bật nhất đất nước.
Trao đổi với Nikkei Asia, ông Bansal cho biết Opptra sẽ vận hành các thương hiệu trong lĩnh vực thời trang, thiết bị điện tử và gia dụng. Công ty cũng lên kế hoạch mở rộng sang các ngành hàng như chăm sóc cá nhân, đồ dùng trẻ em và thể thao. Trong tương lai, Opptra đặt mục tiêu mở rộng hoạt động sang Mỹ, châu Âu và châu Phi.
Mô hình kinh doanh của Opptra tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến, tận dụng các nền tảng số như Flipkart, Amazon và Shopee. Tuy nhiên, công ty cũng sẵn sàng mở cửa hàng vật lý nếu phù hợp với chiến lược từng thương hiệu.
"Thông thường, mô hình nhượng quyền chỉ tập trung vào một danh mục sản phẩm và một khu vực nhất định", Bansal chia sẻ. "Nhưng với thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có thể vận hành đa danh mục trên nhiều quốc gia – điều mà trước đây rất khó thực hiện".
Ông nhấn mạnh: “Các thương hiệu có thế mạnh trong đổi mới và xây dựng hình ảnh, còn Opptra sẽ là đối tác phân phối hiệu quả nhất tại các thị trường toàn cầu”.
Việc Opptra ra mắt trùng thời điểm nhiều nền kinh tế châu Á đối mặt với khó khăn: lạm phát leo thang, tăng trưởng tiền lương chậm và lãi suất cao. Tại Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo giảm còn 6,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, so với mức 8,2% của năm trước. Tại Indonesia, nền kinh tế cũng chỉ tăng trưởng 5% trong năm 2024 – mức thấp nhất trong ba năm qua.
Tuy nhiên, những biến động ngắn hạn này không khiến Bansal lo ngại. Ông đặt niềm tin vào xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ trực tuyến tại châu Á – nơi tầng lớp trung lưu đang không ngừng mở rộng và người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm kỹ thuật số.
Chính phủ Ấn Độ dự báo doanh số thương mại điện tử sẽ đạt 325 tỷ USD vào năm 2030, tăng gấp năm lần so với năm 2021. Trong khi đó, theo ước tính của một cơ quan chính phủ Mỹ, tổng doanh số bán hàng trực tuyến tại Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore sẽ vượt 380 tỷ USD – gấp hơn ba lần mức hiện tại – trong cùng khoảng thời gian.

Đối đầu những “gã khổng lồ” bán lẻ khu vực
Dù là tân binh, Opptra sẽ phải cạnh tranh với những tập đoàn bán lẻ kỳ cựu và hùng mạnh tại châu Á, bao gồm Reliance Industries (Ấn Độ), Mitra Adiperkasa – MAP (Indonesia) và Apparel Group (Dubai).
Reliance Retail, chi nhánh bán lẻ của Reliance Industries, ghi nhận doanh thu khoảng 37 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Công ty hiện đang vận hành hơn 85 thương hiệu quốc tế tại Ấn Độ, trong đó có Balenciaga, Diesel, Gas và Versace.
MAP, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Indonesia, đạt doanh thu 1,6 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2024. Họ đang phân phối nhiều thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Mango, Ted Baker và hàng chục thương hiệu khác.
Với thế mạnh công nghệ và mô hình nhượng quyền đa quốc gia, Opptra đang nỗ lực tạo chỗ đứng riêng trong cuộc đua bán lẻ khốc liệt, nơi sự đổi mới và tốc độ thích ứng là yếu tố then chốt để tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đang chờ đón Opptra. Theo ông Harminder Sahni – nhà sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Wazir Advisors, thị trường nhượng quyền tại châu Á hiện đã khá “chật chội”.
“Hầu hết các thương hiệu lớn đều đã có mặt tại các thị trường trọng điểm và duy trì mối quan hệ hợp tác ổn định. Rất khó để thu hút họ về phía mình”, Sahni nhận định. “Việc đưa một thương hiệu hoàn toàn mới vào và khiến khách hàng nhớ đến cũng không hề dễ dàng”.
Trước rào cản đó, Binny Bansal đặt cược vào công nghệ như một lợi thế cạnh tranh chiến lược. Opptra sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều khâu trong vận hành: từ xây dựng danh mục sản phẩm, tạo nội dung tiếp thị, hỗ trợ khách hàng cho đến phân tích đánh giá của người tiêu dùng. Bansal cũng đang phát triển các “tác nhân AI” – công cụ có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như lập kế hoạch sản phẩm, chiến lược giá và dự báo nhu cầu.
Ở các cửa hàng vật lý, Opptra dự kiến áp dụng công nghệ RFID (nhận dạng bằng tần số vô tuyến) để theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, hỗ trợ phân loại và bổ sung kệ hàng nhanh chóng. Bên cạnh đó, khách hàng có thể trải nghiệm phòng thử đồ ảo – công nghệ đang được sử dụng tại các thị trường phát triển nhưng vẫn còn rất mới mẻ ở Ấn Độ và phần lớn khu vực châu Á.
“Đó chính là tương lai của ngành bán lẻ”, ông Bansal chia sẻ. “Và để bắt kịp xu hướng đó, bạn buộc phải là một doanh nghiệp ưu tiên công nghệ – đó chính là điểm khác biệt mà chúng tôi hướng tới”.
Theo Nikkei Asia