Trung Quốc ‘tung đòn’ tiến hành hàng loạt thỏa thuận nhà máy khắp thế giới, quyết tâm né mọi thuế quan
(Thị trường tài chính) - Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mở rộng toàn cầu mới khi các công ty công nghệ của nước này bắt đầu “tiếp cận” nhiều thị trường hơn.
Cứ một thời gian, một thỏa thuận về việc đặt nền móng cho một nhà máy sản xuất xe điện, pin, máy điện phân để cung cấp hydro xanh hoặc tấm pin mặt trời lại được Trung Quốc công bố.
Hoạt động này đang diễn ra trên toàn thế giới, từ Tây Ban Nha, Brazil, Đức cho đến Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary…
Tăng cường đầu tư ra nước ngoài
Xu hướng mới này nói lên thiên hướng vươn ra quốc tế của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang tìm cách dẫn đầu lĩnh vực mà họ tự hào là đi trước các đối thủ cạnh tranh một bước, nhờ vào năng lực công nghệ và sức mạnh sản xuất.
Họ muốn vươn tới mọi “ngóc ngách” của hành tinh để có thể tiếp cận các thị trường trọng điểm. Sự mở rộng này - vốn đã diễn ra trong một thời gian - lại càng tăng tốc sau đại dịch Covid-19. Đây là một phần trong kế hoạch đối phó với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi bong bóng bất động sản. Nếu nhu cầu nội địa của Trung Quốc không phục hồi, họ sẽ ra nước ngoài để tìm kiếm.
Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài như một cách đối phó với những hạn chế ngày càng lớn đối với xuất khẩu của mình.
Trung Quốc trước đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu với sự hỗ trợ của các biện pháp trợ cấp, nhưng khi các nước khác áp dụng các rào cản thương mại để đối phó với hàng xuất khẩu này, Trung Quốc phải tìm cách khác để duy trì ảnh hưởng kinh tế.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những cách họ thực hiện điều đó, bằng cách rót vốn vào các quốc gia khác thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu hàng hóa.
Với việc các công ty Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài, Bắc Kinh đã biến điều này thành công cụ đàm phán nhằm giảm thuế quan, đồng thời sử dụng như một công cụ địa chính trị để tái định hình bản đồ liên minh, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc “Nam Toàn cầu”.
Làn sóng mở rộng này của Trung Quốc hứa hẹn mở ra một chương mới trong bức tranh thương mại với phương Tây, đặc biệt là nếu ông Donald Trump tái đắc cử và trở lại Nhà Trắng.
Theo fDi Intelligence, một bộ phận chuyên môn của Financial Times, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào các dự án liên quan đến điện tử, năng lượng tái tạo, thiết bị gốc ô tô và các lĩnh vực hóa chất sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, với tổng giá trị là 78,3 tỷ USD.
Các khoản đầu tư vào lĩnh vực kim loại và khoáng sản cũng đã phá vỡ mọi kỷ lục vào năm ngoái, ở mức khoảng 37,8 tỷ USD.
Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo các nguồn tài nguyên quan trọng do vai trò của các lĩnh vực này đối với sự phát triển của các công nghệ liên quan đến xe điện, quang điện, năng lượng gió và lưu trữ năng lượng.
Điều này phù hợp với chiến lược tổng thể của Trung Quốc, trong đó họ tận dụng tài nguyên thiên nhiên và công nghệ chuyển đổi năng lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã khẳng định vai trò là nước xuất khẩu ròng vốn để thiết lập các cơ sở mới (còn gọi là 'đầu tư vào lĩnh vực mới').
Sản phẩm chủ lực
Xe điện đang trở thành sản phẩm chủ lực trong làn sóng đầu tư này. Tốc độ công bố các dự án mới diễn ra nhanh chóng, tạo ra một cuộc huy động mạnh mẽ.
BYD, cái tên cạnh tranh với Tesla để giành vị trí nhà sản xuất xe hybrid lớn nhất thế giới, đang hoàn thiện một nhà máy ở Hungary. Hãng đã xác nhận kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Mexico và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tại Brazil trước cuối năm 2024.
Ngoài ra, BYD cũng đã mở nhà máy ở Uzbekistan vào tháng 6 và ở Thái Lan vào tháng 7, đồng thời công bố kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy khác tại Indonesia.
Chery, một nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc, đã bắt đầu hoạt động tại nhà máy cũ của Nissan ở Barcelona và cũng đang có kế hoạch mở rộng sang Mexico.
Năm ngoái, ban lãnh đạo Chery đã công bố khoản đầu tư 400 triệu USD vào Argentina để xây dựng một nhà máy ô tô, với sự hỗ trợ của ngành khai thác lithium địa phương - lĩnh vực mà Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.
Đây chỉ là hai ví dụ, nhưng còn nhiều thương hiệu Trung Quốc khác như GAC, SAIC, NIO đang tiến ra thị trường quốc tế.
EU đã trở thành một trong những thị trường chính mà Trung Quốc muốn thâm nhập. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào EU đạt mức thấp vào năm 2023, nhưng đầu tư vào toàn bộ chuỗi giá trị của ô tô điện trên lục địa này đã tăng vọt lên 5 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào EU và tăng 61% so với năm trước, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS).