Trung Quốc mạnh mẽ công bố hơn 300 đề xuất cải cách, hé lộ 'chìa khóa vàng' có thể thay đổi cục diện kinh tế
(Thị trường tài chính) - Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã đưa ra hơn 300 đề xuất cải cách kinh tế - xã hội, đồng thời nhấn mạnh những ưu tiên hàng đầu trong quá trình vực dậy nền kinh tế.
300 đề xuất cải cách kinh tế - xã hội
Mới đây, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX (Hội nghị Trung ương 3 khóa XX) đã bế mạc sau 4 ngày làm việc.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ Chính trị Trung Quốc đã có sự tham dự của 199 Ủy viên chính thức và 165 Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng.
Theo đó, Hội nghị cũng đã công bố hơn 60 tiểu mục và 300 đề xuất cải cách kinh tế - xã hội trong những năm tới, theo Financial Times. Cuộc đại cải cách này được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Nó được công bố trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới đang chịu các lệnh trừng phạt và tăng thuế quan từ nhiều nước - vốn khiến hoạt động nhập khẩu trong lĩnh vực công nghệ như chất bán dẫn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách cũng được đánh giá là có ít cam kết về việc Chính phủ sẽ can thiệp mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng bất ổn của thị trường bất động sản - vốn đang làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Đẩy mạnh "lực lượng sản xuất chất lượng mới"
Theo Financial Times, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về tầm nhìn tập trung đầu tư vào "lực lượng sản xuất chất lượng mới".
Phiên họp cũng đề cập nhiều tới các chủ đề như tự cung tự cấp chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ. “Đó là ưu tiên hàng đầu”, Robin Xing, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết.
Mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc luôn là khiến nền kinh tế vững mạnh trở lại, và điều này có thể đạt được bằng cách thúc đẩy “sự tự lực về khoa học và công nghệ” trong bối cảnh tình hình quốc tế “phức tạp”, một số nhà phân tích cho biết.
Kế hoạch cải cách toàn diện
Ngoài ra, kế hoạch cũng cho thấy Trung Quốc cần tăng cường cải cách tài chính và thuế. Điều này nhằm mục tiêu giải quyết những khó khăn tài chính mà chính quyền địa phương phải đối mặt. Theo đó, cải cách mới đưa ra một số phương thức nhằm mở rộng nguồn thu thuế của địa phương, bao gồm từ thuế tiêu dùng.
Một phần của kế hoạch cũng bao gồm cải cách hệ thống giáo dục để bồi dưỡng người tài, đặc biệt là ở các ngành chiến lược, đồng thời cải thiện hoạt động thu hút nhân tài ở nước ngoài.
Cải thiện phúc lợi xã hội, hệ thống phân phối thu nhập; đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; cải cách sâu rộng hệ thống đất đai cũng được đề cập.
Đặc biệt, Trung Quốc cũng có kế hoạch thiết lập hệ thống trợ cấp sinh con, cải thiện chính sách nghỉ thai sản cũng như tăng dần tuổi nghỉ hưu theo luật định một cách thận trọng và có trật tự. Nỗ lực này nhằm khắc phục tình trạng tỷ lệ sinh giảm và dân số già đang “bủa vây” Trung Quốc.
Tổng hợp