HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kinh tế Nhật Bản bất ngờ đón tin vui nhờ thị trường Trung Quốc

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Bất chấp những rủi ro toàn cầu, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng vượt dự báo trong tháng 10/2024, chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc và các nước châu Á.

Bộ Tài chính Nhật Bản mới đây công bố xuất khẩu của nước này tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, vượt xa dự báo tăng 1% của các nhà kinh tế. Mức tăng trưởng này nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của các lô hàng thiết bị sản xuất chip, đặc biệt là sang Trung Quốc, cùng với các mặt hàng y tế xuất khẩu sang Mỹ. Đây là sự phục hồi đáng chú ý sau khi xuất khẩu ghi nhận mức giảm lần đầu tiên trong 10 tháng vào tháng 9.

Trong tháng 10, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, phục hồi mạnh sau khi giảm 7,3% vào tháng 9. Đặc biệt, xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn tăng hơn 30%, phản ánh hiệu quả từ các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, các chính sách này đang thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dù đồng yen mạnh hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái (ở mức trung bình 145,87 yen đổi 1 USD), Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của nước này cũng tăng lên 461,2 tỷ yen (2,98 tỷ USD), từ mức 294,1 tỷ yen trong tháng trước, khi nhập khẩu bất ngờ tăng 0,4%, trái ngược với dự báo giảm 1,9%.

Kinh tế Nhật Bản bất ngờ đón tin vui nhờ thị trường Trung Quốc - ảnh 1
Dù xuất khẩu tăng, kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt với thâm hụt thương mại và sự suy giảm từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu

Rủi ro từ thị trường Mỹ và châu Âu

Trái ngược với đà tăng ở châu Á, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ và châu Âu tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ giảm 6,2%, còn xuất khẩu sang châu Âu giảm 11,3% trong tháng 10, kéo dài xu hướng giảm từ tháng trước.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đối mặt với lo ngại lớn hơn về chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đặc biệt khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lo ngại rằng những chính sách thuế quan khắc nghiệt, bao gồm áp dụng thuế nhập khẩu 60% với hàng hóa từ Trung Quốc và 20% với các quốc gia khác, có thể làm gia tăng rủi ro thương mại toàn cầu.

Hiroshi Miyazaki, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Itochu, nhận định: “Dữ liệu tháng này mang lại hy vọng về sự tăng trưởng nhu cầu bên ngoài trong quý IV/2024. Chính sách kích thích của Trung Quốc đã giúp ngăn chặn đà suy thoái kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.”

Sự phục hồi trong xuất khẩu được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kinh tế Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng. Dù GDP quý III năm nay tăng chậm lại do xuất khẩu ròng suy giảm, các chuyên gia hy vọng rằng thương mại quốc tế sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực chính trong bối cảnh nhu cầu nội địa còn yếu.

Dù còn nhiều thách thức, những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và châu Á đang giúp củng cố niềm tin vào triển vọng thương mại của Nhật Bản trong giai đoạn cuối năm 2024.

Theo MarketWatch