Trung Quốc chuyển hướng từ đồng sang nhôm, thị trường kim loại toàn cầu 'dậy sóng'
Thị trường đồng toàn cầu đang "nổi sóng" khi giá đồng tăng vọt lên mức kỷ lục rồi lại giảm mạnh trong những tháng gần đây. Giữa bối cảnh này, những động thái của hệ thống điều hành lưới điện quốc gia Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường kim loại thế giới.
Gần đây, State Grid Corp., công ty mua đồng lớn nhất thế giới của Trung Quốc, đã có sự thay đổi đáng kể trong chiến lược mua sắm. Họ giảm đáng kể việc mua dây đồng và chuyển sang mua nhiều dây nhôm hơn - một lựa chọn thay thế có giá thành thấp hơn. Mặc dù có thể coi đây là phản ứng tự nhiên trước giá đồng tăng cao, nhưng động thái này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi trong ngành.
Câu hỏi đặt ra là liệu có một chiến lược lớn hơn đang được triển khai? Liệu một trong những "đại gia" quan trọng nhất nhưng cũng kín tiếng nhất của ngành kim loại có đang thực hiện một sự thay đổi chính sách có thể gây chấn động thị trường toàn cầu?
Nếu Trung Quốc thực sự chuyển sang sử dụng nhôm thay cho đồng trên quy mô lớn trong hệ thống lưới điện, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến nhu cầu đồng toàn cầu. Một số nhà giao dịch đã bắt đầu xem xét khả năng này như một cơ sở để đặt cược ngược lại với dự đoán phổ biến rằng trong tương giá đồng chắc chắn sẽ tăng vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều này càng trở nên quan trọng khi Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn một phần tư tổng nguồn cung toàn cầu, chủ yếu dùng cho cáp điện.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành vẫn thận trọng. Nhiều nhà giao dịch và Giám đốc điều hành cho rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận về một sự thay đổi lớn. Họ lưu ý rằng việc thay thế đồng bằng các vật liệu rẻ hơn ở quy mô nhỏ đã là một xu hướng lâu dài trên thị trường và thường được chú ý nhiều hơn mỗi khi giá đồng tăng cao. Một số khác cho rằng những thay đổi trong năm nay có thể chỉ là phản ứng tạm thời trước đợt tăng giá đột biến.
Chenfei Wang, Giám đốc bộ phận dây và cáp tại CRU Group ở Thượng Hải, nhận định: "Việc thay thế đồng không phải là một chủ đề mới ở Trung Quốc. Nó đã được thảo luận nhiều năm nhưng chưa có tiến triển đáng kể nào từ phía lưới điện quốc gia. Chủ đề này thường trở nên 'nóng' mỗi khi giá đồng tăng cao."
Trên thị trường, giá đồng đã giảm khoảng 13% so với mức đỉnh 11.104,50 USD/tấn được ghi nhận vào tháng 5 trên Sàn giao dịch Kim loại London. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh các quỹ đầu tư chốt lời và nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút. Gần đây nhất, giá đồng tương lai đã giảm 1,6% xuống còn 9.653,50 USD/tấn.
Đồng vẫn là kim loại được ưa chuộng để dẫn điện kể từ thời Thomas Edison. Tuy nhiên lâu nay nhôm - với đặc tính dẫn điện kém hơn nhưng nhẹ hơn và rẻ hơn - đã được sử dụng như một vật liệu thay thế. Do khả năng dẫn điện thấp hơn, cáp nhôm cần có kích thước lớn hơn so với cáp đồng để truyền tải cùng một lượng điện.
Trong các ứng dụng mà trọng lượng là yếu tố quan trọng nhưng không gian không bị giới hạn, chẳng hạn như đường dây truyền tải điện trên không, nhôm thường được ưu tiên sử dụng. Ngược lại, trong các tình huống không gian hạn chế như cáp ngầm ở khu vực đô thị, đồng vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, nhôm cũng bị coi là kim loại kém an toàn hơn, đặc biệt sau sự cố vào những năm 1970 khi giá đồng tăng cao dẫn đến việc sử dụng rộng rãi nhôm trong hệ thống dây điện gia đình, gây ra một loạt các vụ cháy do điện.
Một báo cáo gần đây từ Hiệp hội Đồng Quốc tế cho thấy xu hướng thay thế đồng đã làm giảm lượng tiêu thụ toàn cầu khoảng 1% đến 1,5% mỗi năm trong thập kỷ qua. Mặc dù hiện tại thị trường đồng toàn cầu vẫn được cung cấp đầy đủ, chủ yếu do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, nhiều chuyên gia dự đoán ngành này sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong những năm tới, có thể đẩy giá lên mức cao kỷ lục.
Tại Trung Quốc, đồng vẫn là vật liệu bắt buộc cho một số loại dây dẫn và trong lĩnh vực phát điện. Điều này khiến các nhà giao dịch luôn phải theo dõi sát sao mọi dấu hiệu thay đổi chính sách.
State Grid, tập đoàn tiện ích lớn nhất thế giới, hiện cung cấp điện cho hơn 80% dân số Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty này chỉ sử dụng hình thức đấu thầu công khai cho một số giao dịch mua nhất định và không phải lúc nào cũng công khai việc họ mua dây nhôm hay dây đồng. Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi chính xác chiến lược mua sắm của họ.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích và lãnh đạo ngành cho biết State Grid đã giảm tốc độ mua đồng và dây cáp trong những tháng gần đây, do giá đồng tăng vọt lên mức cao kỷ lục nhờ làn sóng mua vào từ các nhà đầu tư lạc quan. Một nhà cung cấp lớn cho lưới điện tiết lộ doanh số bán cáp đồng của họ đã giảm khoảng 20% trong quý II.
Ông Wang từ CRU cho biết hoạt động đấu thầu cáp điện kim loại cách điện của lưới điện quốc gia đã chậm lại kể từ tháng 4 do giá đồng cao, dù gần đây đã có dấu hiệu phục hồi khi giá giảm. Trong khi đó, doanh số bán cáp nhôm lại tăng mạnh. Theo số liệu từ Shanghai Metals Market, các cuộc đấu thầu cáp nhôm của State Grid đã tăng 40%, đạt 718.000 tấn trong bốn tháng đầu năm nay.
Xu hướng thay thế đồng bằng nhôm ngày càng được thảo luận rộng rãi. Tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, nhôm đã được sử dụng phổ biến trong cáp điện trên cao, nơi trọng lượng nhẹ của nó là một lợi thế đáng kể.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiêu thụ khoảng 7,5 triệu tấn đồng mỗi năm cho cáp điện, so với 3 triệu tấn nhôm, theo số liệu được công bố tại hội nghị ngành do Hiệp hội Công nghiệp Kim loại màu Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 3/7 vừa qua.
Đâu là thời điểm thích hợp?
Tại hội nghị đầu tháng này, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kim loại màu Trung Quốc, ông Ge Honglin, đã nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh việc thay thế đồng bằng nhôm. Ông Ge chỉ ra ba yếu tố chính: nguồn tài nguyên nhôm dồi dào của Trung Quốc, sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đồng, và tính cạnh tranh về mặt kinh tế của nhôm so với đồng. Ông cũng khẳng định rằng nhôm đã đạt được mức độ "công nghiệp hóa" trong lưới điện hạ thế.
Theo một nguồn tin thân cận, một nhà cung cấp cáp lớn cho State Grid đã tăng lượng mua nhôm lên gần 50% trong vài tháng qua. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cảnh báo rằng sự gia tăng đột biến trong nhu cầu cáp nhôm có thể chỉ là để phục vụ các công trình xây dựng tạm thời, chứ không phải để sử dụng lâu dài trong lưới điện.
Trên phạm vi toàn cầu, Prysmian SpA - nhà sản xuất cáp hàng đầu thế giới có trụ sở tại Ý - tỏ ra thận trọng về triển vọng chuyển đổi sang nhôm, trừ khi ngành công nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đồng nghiêm trọng.
Maria Cristina Bifulco, Giám đốc phát triển bền vững của Prysmian, cho biết khách hàng trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh - như cáp siêu cao thế cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc cáp cho các trung tâm dữ liệu AI - vẫn ưa chuộng đồng vì hiệu quả và độ tin cậy cao hơn. Bà khẳng định: "Thành thật mà nói, chúng tôi chưa thấy sự thay đổi nào đáng kể xuất phát từ lo ngại về tình trạng thiếu hụt tiềm tàng hay giá đồng cao".
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng giá đồng cao gần đây đang ảnh hưởng đến một số phân khúc thị trường. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhà phân tích Max Layton của Citigroup Inc. cho biết các biện pháp "tiết kiệm", bao gồm cả việc thay thế bằng nhôm, đã làm giảm nhu cầu đồng khoảng 400.000 tấn.
Trong một báo cáo mới, các nhà phân tích của Citigroup nhận định: "Theo quan điểm của chúng tôi, khả năng thay đổi chính sách đang gia tăng. Nếu việc thay thế nhôm được thực hiện trên diện rộng, nó sẽ tạo ra rủi ro đáng kể, có thể hạn chế đà tăng của giá đồng trong tương lai".