Tránh xa cổ phiếu ô tô, Warren Buffett một lần nữa chứng minh sự lỗi lạc khi loạt ông lớn trong ngành đang đi từ đỉnh cao xuống vực sâu
(Thị trường tài chính) - Sự bùng nổ từ thị trường ô tô Trung Quốc và sự suy yếu của các thế lực truyền thống trong ngành đang chứng minh tầm nhìn đầu tư chiến lược của "nhà tiên tri xứ Omaha".
Berkshire Hathaway dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Warren Buffett đã gặt hái thành công với danh mục đầu tư đa dạng từ Coca-Cola, Apple đến các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, ông chủ yếu giữ khoảng cách với lĩnh vực ô tô, ngoại trừ một vài khoản đầu tư hiếm hoi vào General Motors (GM) và BYD.

"Việc xác định người chiến thắng trong ngành này không nằm trong khả năng của tôi", tỷ phú Buffett chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên của Berkshire tại Nebraska hồi tháng 5/2023. Theo báo cáo mới nhất công bố hôm 14/2, danh mục đầu tư của Berkshire tính đến cuối tháng 12 không có bất kỳ cổ phiếu ô tô nào.
Làn sóng biến động đang càn quét ngành công nghiệp ô tô, với động lực chính đến từ sự trỗi dậy của thị trường Trung Quốc, cho thấy tính đúng đắn trong cách tiếp cận thận trọng của ông chủ Berkshire.
Thương vụ sáp nhập đổ vỡ giữa Honda Motor và Nissan Motor là minh chứng mới nhất cho tình trạng bất ổn của ngành. Hai gã khổng lồ ô tô Nhật Bản đã tìm kiếm "thỏa thuận lịch sử" nhằm đối phó với làn sóng xe điện do Tesla dẫn đầu và sự trỗi dậy của các đối thủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm CEO Honda Toshihiro Mibe cho biết công ty không thể dành "nỗ lực và thời gian" cần thiết cho việc thành lập công ty mẹ mới theo kế hoạch ban đầu.
Tại thị trường Trung Quốc, Honda đang chứng kiến thị phần sụt giảm mạnh. Mặc dù lợi nhuận hoạt động 9 tháng đầu năm tài chính tăng 6% lên 1,13 nghìn tỷ yên (7,4 tỷ USD), lợi nhuận ròng lại giảm 7% xuống 805,26 tỷ yên. CFO Eiji Fujimura chỉ ra nguyên nhân chính là "doanh số tại Trung Quốc suy giảm", dẫn đến khoản lỗ đầu tư 27,26 tỷ yên, trái ngược với khoản lãi 67,26 tỷ yên cùng kỳ năm trước.
Tình hình tại Nissan còn ảm đạm hơn khi hãng xe này dự kiến lỗ ròng 80 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới.
Các khủng hoảng tại thị trường Trung Quốc
Khó khăn tại thị trường Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh của Nissan. Theo chia sẻ của CFO Jeremie Papin tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, doanh số bán lẻ toàn cầu của hãng trong quý IV/2023 tăng 2% nếu không tính Trung Quốc - nơi ghi nhận mức sụt giảm hai con số.
Trước tình hình này, Chủ tịch kiêm CEO Nissan Makoto Uchida xác nhận công ty đã đóng cửa nhà máy tại Thường Châu và cắt giảm 33% công suất sản xuất hàng năm tại Trung Quốc xuống còn 1 triệu xe. Ông cho biết sẽ tiếp tục tham vấn đối tác Trung Quốc về khả năng điều chỉnh công suất trong thời gian tới.
Cả Honda và Nissan đều vận hành thông qua các liên doanh với doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc từ thập niên 1980, khi thị trường này bắt đầu mở cửa. Dongfeng Motor Group - tập đoàn ô tô quốc doanh niêm yết tại Hong Kong, nắm giữ 50% cổ phần trong các liên doanh riêng biệt với cả hai hãng xe Nhật Bản. Bên cạnh đó, Honda còn có quan hệ đối tác với Guangzhou Automobile Group - đơn vị cũng đang hợp tác với Toyota Motor.
Mô hình liên doanh từng mang lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nhờ tiếp cận công nghệ, vốn và chuyên môn từ đối tác nước ngoài. Các sản phẩm của họ thống trị thị trường ô tô lớn nhất thế giới kể từ năm 2008, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, làn sóng xe điện đang buộc các doanh nghiệp nhà nước phải tái cơ cấu. Dongfeng Motor - công ty còn có quan hệ đối tác với Stellantis, vừa thông báo đang xem xét sáp nhập với công ty mẹ của Chongqing Changan Automobile - đối tác của Ford Motor và Mazda Motor.
Hai tập đoàn ô tô quốc doanh này đã đi theo cùng một lộ trình: dựa vào các liên doanh nước ngoài để thống trị thị trường xe xăng và hưởng lợi nhuận lớn trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, họ đang tụt hậu trước sự vươn lên của các đối thủ tư nhân như BYD - những người tiên phong trong làn sóng xe điện và tự khẳng định vị thế mà không cần sự hỗ trợ từ nước ngoài.

Liên doanh giữa General Motors và SAIC Motor - một điển hình thành công trong ngành ô tô Trung Quốc, cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Từ đỉnh cao năm 2016 với doanh số 1,88 triệu xe và lợi nhuận ròng 16,94 tỷ nhân dân tệ (2,32 tỷ USD), hoạt động kinh doanh của liên doanh này đã suy giảm mạnh. Đặc biệt, biên lợi nhuận ròng 8,4% và tỷ lệ sử dụng công suất 112% trong năm 2016 đã không thể duy trì.
Đến năm 2024, doanh số của liên doanh chỉ còn 435.007 xe, với tỷ lệ sử dụng công suất giảm xuống còn khoảng 20%. Hệ quả là GM ghi nhận khoản lỗ ròng 2,96 tỷ USD trong quý gần nhất, đảo ngược hoàn toàn so với mức lãi 2,10 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Theo CFO Paul Jacobson, khoản lỗ 4,06 tỷ USD từ hoạt động tại Trung Quốc có khoảng một nửa đến từ phí suy giảm, phần còn lại liên quan đến các biện pháp tái cơ cấu.
SAIC cũng dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 có thể giảm tới 90% xuống còn 1,5 tỷ nhân dân tệ, chủ yếu do khoản lỗ bất thường từ liên doanh với GM. Chủ tịch kiêm CEO Mary Barra cho biết liên doanh tại Thượng Hải sẽ triển khai nhiều sáng kiến tái cơ cấu trong năm nay, bao gồm việc điều chỉnh công suất để đạt tỷ lệ sử dụng từ 80% trở lên.
Tình trạng suy giảm cũng ảnh hưởng đến SAIC-VW - liên doanh khác của SAIC với Volkswagen. Doanh số năm ngoái chỉ đạt 1,14 triệu xe, giảm gần 50% so với đỉnh điểm năm 2018.
Tổng doanh số của thương hiệu Volkswagen tại Trung Quốc, bao gồm các liên doanh khác, đã giảm xuống dưới 3 triệu xe trong năm vừa qua.
“Chưa bao giờ yên tâm”: Kể cả với BYD và GM
Trong khi các liên doanh truyền thống đang suy yếu, BYD đã vươn lên dẫn đầu thị trường Trung Quốc năm 2024 với doanh số 4,27 triệu xe, tăng 41% so với năm trước và gấp hơn 8 lần so với năm 2018. Tuy nhiên, thành công này không khiến "Nhà tiên tri xứ Omaha" thay đổi quan điểm thận trọng với ngành ô tô.
Khoản đầu tư vào BYD thực chất là quyết định của cộng sự lâu năm Charlie Munger - người đã qua đời vào tháng 11/2023 ở tuổi 99. Tại ĐHCĐ, Buffett tiết lộ BYD và Costco là hai khoản đầu tư hiếm hoi mà Munger đã "đập bàn" thuyết phục ông mua vào.
Berkshire bắt đầu đầu tư vào BYD từ tháng 9/2008 với 225 triệu cổ phiếu giá 8 HKD/cp. Đến phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Thâm Quyến đã đạt mức 364,20 HKD. Trong khi đó, khoản đầu tư vào GM bắt đầu từ quý I/2012 với 10 triệu cổ phiếu giá trung bình 25,65 USD/cp.
Tuy nhiên, “huyền thoại đầu tư” 94 tuổi dường như chưa bao giờ thực sự thoải mái với ngành ô tô. Berkshire bắt đầu cắt giảm cổ phần tại GM từ quý II/2022 và hoàn tất thoái vốn vào quý III/2023 khi hãng xe này đang mất dần thị phần tại Trung Quốc.
Đồng thời, tập đoàn cũng bắt đầu bán cổ phiếu BYD từ tháng 8/2022, giảm số lượng nắm giữ xuống còn 54,2 triệu cổ phiếu tính đến tháng 7/2023 - dưới ngưỡng công bố thông tin 5%.
Tại cuộc họp thường niên gần nhất, tỷ phú Buffett tiếp tục nhấn mạnh khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu ô tô: "Đừng trông chờ chúng tôi có thể dự đoán được ai sẽ là người chiến thắng và khi nào điều gì đó sẽ xảy ra trong ngành".
Ông từng dẫn chứng về Henry Ford - người cách mạng hóa sản xuất hàng loạt và "sở hữu thế giới" nhưng chỉ 20 năm sau đã thua lỗ - như một lời cảnh tỉnh cho các liên doanh nước ngoài tại Trung Quốc hiện nay.
Mặc dù chưa đưa ra lý do chính thức về việc thoái vốn BYD, Buffett đã gián tiếp đề cập đến áp lực cạnh tranh toàn cầu, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và rủi ro địa chính trị. "Tôi không nghĩ mình có thể biết ngành công nghiệp ô tô sẽ như thế nào trong 5 đến 10 năm nữa", ông thừa nhận.
Tham khảo Nikkei Asia