HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Thị trường tài chính Trung Quốc rung chuyển bởi hàng loạt vụ vỡ nợ 'khó tin'

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Làn sóng vỡ nợ trái phiếu chuyển đổi đang gây chấn động thị trường tài chính Trung Quốc, đe dọa sự ổn định của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và làm dấy lên lo ngại về tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.

Trái phiếu chuyển đổi là chứng khoán nợ nhưng có thể chuyển đổi thành chứng khoán vốn, cụ thể là cổ phiếu theo quyết định của trái chủ. Nhà đầu tư sẽ có quyền lựa chọn, chuyển đổi sang cổ phiếu khi giá cổ phiếu tăng, hoặc giữ nguyên trái phiếu hưởng lãi suất khi giá cổ phiếu giảm.

Đối với nhà đầu tư, loại tài sản này mang lại lợi ích là được đảm bảo hưởng mức lãi cố định khi chưa tiến hành việc chuyển đổi và không phải gánh chịu những rủi ro của công ty trên thị trường chứng khoán. Giá thị trường của trái phiếu chuyển đổi cũng có chiều hướng ổn định hơn giá cổ phiếu trong thời kỳ thị trường xuống giá.

Còn đối với công ty phát hành, lãi suất của trái phiếu chuyển đổi thấp hơn trái phiếu thông thường, cho phép công ty huy động được vốn với chi phí thấp. Loại tài sản này tạo thêm kênh huy động vốn trên thị trường khi việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu thông thường không thuận lợi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu chuyển đổi Trung Quốc đang chứng kiến một cơn địa chấn chưa từng có, với làn sóng vỡ nợ đe dọa làm sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư. 

Thị trường tài chính Trung Quốc rung chuyển bởi hàng loạt vụ vỡ nợ 'khó tin' - ảnh 1
Doanh số bán trái phiếu chuyển đổi tại Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016

 

Chỉ trong tuần này, hai công ty Bluedon Information Security Technologies và LingNan Eco & Culture-Tourism đã tuyên bố vỡ nợ trái phiếu chuyển đổi, gây chấn động cho một thị trường vốn được coi là bến đỗ an toàn.

Mặc dù tổng giá trị trái phiếu vỡ nợ hiện chỉ dưới 2 tỷ nhân dân tệ, các dấu hiệu căng thẳng đang lan rộng trên toàn thị trường. Theo số liệu mới nhất, ít nhất 50 trái phiếu với tổng giá trị lên tới 58 tỷ nhân dân tệ đang giao dịch ở mức 90 nhân dân tệ hoặc thấp hơn, phản ánh tâm lý lo ngại ngày càng tăng của giới đầu tư. Chỉ số theo dõi các trái phiếu chuyển đổi nội địa đã sụt giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu chuỗi ngày thua lỗ dài nhất kể từ tháng 1.

Tình trạng này tạo nên một sự tương phản rõ rệt với sự hào hứng của thị trường quốc tế đối với trái phiếu chuyển đổi do các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc phát hành. Các chuyên gia cảnh báo rằng những biến động này có thể gây ra tác động dây chuyền, vượt ra ngoài phạm vi của một loại tài sản ngách, làm dấy lên lo ngại sâu sắc về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Max Dong, đối tác tại Guangzhou JiuYuan Private Fund Management Co., nhận định: "Thiệt hại sẽ không chỉ giới hạn ở thị trường trái phiếu chuyển đổi". Ông dự báo tác động sẽ đặc biệt mạnh mẽ đối với các công ty có quy mô nhỏ hơn.

Trong bối cảnh này, các nhà quản lý quỹ như Zou Shaokun tại Beijing Eastern Smart Rock Asset Management Co. cảnh báo: "Các quy tắc giao dịch trái phiếu chuyển đổi hiện đã thay đổi hoàn toàn. Nỗi sợ hãi đang lan tràn và gây ra một làn sóng trái phiếu chuyển đổi được giao dịch ở mức giá thấp".

Với khoảng 258 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chuyển đổi sẽ đáo hạn hoặc có thể bán được vào năm 2025, và con số này còn cao hơn trong năm tiếp theo, nhiều chuyên gia lo ngại rằng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra. Thị trường đang đứng trước thách thức lớn trong việc tái cấp vốn trong những năm tới, hứa hẹn một giai đoạn đầy biến động cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc.

 Tác động sâu rộng lên thị trường

Theo số liệu thống kê, doanh số phát hành trái phiếu chuyển đổi trong nước đã sụt giảm mạnh 79% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 15,6 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay - mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Tình trạng này không chỉ giới hạn ở thị trường trái phiếu. Trên sàn chứng khoán, các công ty vốn hóa nhỏ cũng đang chịu áp lực nặng nề. Chỉ số CSI 2000, đại diện cho hiệu suất của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đã giảm 25% từ đầu năm đến nay, trong khi các cổ phiếu blue-chip chỉ giảm dưới 3%.

Thị trường tài chính Trung Quốc rung chuyển bởi hàng loạt vụ vỡ nợ 'khó tin' - ảnh 2
Ảnh minh họa

 

Hậu quả là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn, đặc biệt khi so sánh với các tập đoàn lớn được Nhà nước hậu thuẫn. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư và tuyển dụng của khu vực tư nhân - vốn đóng góp hơn 60% vào GDP của Trung Quốc.

Gary Ng, chuyên gia kinh tế tại Natixis SA, nhận định: "Hiện tại, có quá nhiều vốn đang tìm kiếm nguồn thu nhập ổn định trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khủng hoảng bất động sản và dân số già hóa. Tuy nhiên, các lựa chọn đầu tư an toàn đang ngày càng khan hiếm".

Câu chuyện của nhà đầu tư một nhà đầu tư họ Yang minh họa cho những rủi ro mà các nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt. Sau khi mất phần lớn tiền tiết kiệm vào trái phiếu của Grand Auto, ông thừa nhận đó là một quyết định mạo hiểm. Mặc dù hy vọng chính quyền sẽ có biện pháp bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, Yang tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng lấy lại được khoản tiền đã mất.

"Tôi đã mất hết hy vọng rồi," ông Yang chia sẻ, phản ánh tâm trạng của nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện nay.

Theo BNN