Suy tính của thành viên NATO khi xin gia nhập BRICS, kế hoạch ‘tấn công’ đẩy nhanh phi USD hóa sẽ có ‘đột phá’ mới?
(Thị trường tài chính) - Theo Sputnik, tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tin vui cho BRICS.
Tin vui cho BRICS?
Hồi đầu tháng, người phát ngôn Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Celik cho biết, nước này đã đề nghị gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Đáng chú ý, năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xếp hạng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lớn thứ 17 thế giới. Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, trung bình đạt 5,4%/năm trong giai đoạn 2002-2022 và tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ mức hơn 20% vào năm 2007 xuống còn 7,6% vào năm 2021.
Chưa hết, với vị trí chiến lược - nối liền hai châu lục Á và Âu, nằm giữa các vùng biển lớn như Địa Trung Hải, Biển Đen - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một "trung tâm hậu cần tự nhiên" cho vận tải hàng hóa giữa Nam và Bắc bán cầu.
Chính bởi vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ được chấp thuận gia nhập, BRICS sẽ đón tin vui, theo Sputnik. Đồng thời, khi mở rộng thêm thành viên, kế hoạch phi USD hóa của nhóm BRICS sẽ càng được củng cố mạnh mẽ hơn.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ
Về việc gia nhập BRICS, thành viên NATO - Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy đây là cơ hội để cải thiện hợp tác kinh tế và thương mại với các nền kinh tế lớn đang phát triển, điển hình là Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nỗ lực thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy công nghiệp hóa và cải thiện năng lực sản xuất quốc gia.
Thêm nữa, việc gia nhập BRICS cũng phù hợp với các mục tiêu dài hạn của nước này trong việc xây dựng một thế giới đa cực, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò là một cường quốc tầm trung đang trỗi dậy.
Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS không chỉ là nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ mới ngoài phương Tây mà còn là một phần trong chiến lược đa dạng hóa chính sách ngoại giao. Đặc biệt, việc tham gia BRICS sẽ không làm giảm cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO hay EU.