Suy thoái bất động sản kéo dài, tài phiệt Hồng Kông ồ ạt bán biệt thự giá lỗ để trả nợ
(Thị trường tài chính) - Các gia đình giàu có ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang phải đối mặt với khó khăn tài chính và buộc bán tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực để trả nợ.
Một số gia đình giàu có ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng bất động sản của thành phố khi phải bán đi những căn nhà sang trọng và nhiều bất động sản khác với giá lỗ để trả nợ.
Theo Reuters, chỉ trong tháng vừa qua, một gia đình đã bán 7 bất động sản với giá 250 triệu USD tại khu Peak danh tiếng với một số căn được giảm giá mạnh để trả nợ. Vào tháng 4, một công ty gia đình đã bán cổ phần của mình tại tòa nhà AIA Central với mức giá lỗ 20 triệu USD.
Một gia tộc khác gây dựng khối tài sản của mình trong lĩnh vực bán lẻ cũng phải bán một mặt tiền cửa hàng với mức lỗ 60% trong khi các bất động sản khác bị chủ nợ tịch thu.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nhà ở, khoảng 75% giao dịch bất động sản cao cấp - trị giá hơn 10 triệu USD mỗi giao dịch - trong nửa đầu năm đều liên quan đến những người bán gặp khó khăn tài chính, theo dữ liệu từ CBRE Group.
Các giao dịch mua bán đang gây thêm áp lực lên thị trường bất động sản Hồng Kông, vốn đã đi xuống trong vài năm qua khi trung tâm tài chính này dần mất đi sức hấp dẫn. Một số chủ sở hữu phải đối mặt với áp lực tài chính khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, lãi suất vẫn ở mức cao và giá trị bất động sản giảm.
Reeves Yan, Giám đốc thị trường vốn tại CBRE Hồng Kông, nhận định: "Đã có những thay đổi khá lớn vì trong 15 năm qua, các chủ sở hữu gia đình không quan tâm đến việc bán bất động sản. Biệt thự thường chỉ được bán bởi các nhà phát triển kinh doanh. Nhưng hiện nay có rất nhiều chủ sở hữu gia đình vừa và nhỏ bán bất động sản vì áp lực quá lớn".
Nhiều gia tộc lớn lao đao
Ví dụ nổi bật nhất là gia đình họ Ho. Dưới sự lãnh đạo của ông Ho Shung Pun, CEO công ty đầu tư bất động sản 69 năm tuổi Kowloon Investment, gia tộc kín tiếng này đã thế chấp ít nhất 12 căn bất động sản để vay khoảng 350 triệu USD, theo tính toán của các nhà phân tích.
Năm ngoái, ông Ho huy động được khoản vay 205 triệu USD từ 7 dinh thự sang trọng. Bốn trong số những bất động sản đó được bán trong một giao dịch tiền mặt với giá 141 triệu USD vào tháng 7. Theo Savills, đơn vị môi giới giao dịch, chúng được bán với giá chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh điểm của thị trường.
Những gia đình giàu có gặp khó khăn khác còn bao gồm gia đình của cố trùm bán lẻ Tang Shing Bor, người đã tìm cách bán bất động sản trị giá hàng tỷ USD kể từ năm 2020.
Năm nay, các chủ nợ tịch thu ít nhất 8 bất động sản thuộc sở hữu của gia đình Tang, bao gồm một trung tâm mua sắm và một khách sạn. Gia đình đã bán một mặt tiền cửa hàng với mức lỗ 60% vào tháng 5, truyền thông địa phương đưa tin.
Người con trai, Tang Yiu Sing, và những người khác thậm chí còn bị một chủ nợ kiện vào tháng 7 vì chưa trả số tiền nợ hơn 140.000 USD, hồ sơ tòa án cho thấy.
Ngoài ra, Lai Sun Development của cố Chủ tịch Lim Por Yen đã bán các bất động sản từ nhà ở đến bán lẻ và thương mại. Vào tháng 4, tập đoàn bán 10% cổ phần tại văn phòng AIA Central với mức lỗ khoảng 19,7 triệu USD. Số tiền ròng thu được sẽ dùng để trả các khoản vay ngân hàng và cung cấp vốn lưu động.
Trong khi đó, ITC Properties Group - công ty phát triển bất động sản của nhà sáng lập Charles Chan Kwok Keung - đã bán tầng 30 tại tòa nhà Bank of America để trả nợ, hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán vào tháng 4 cho biết. Số tiền lỗ rơi vào khoảng hơn 500.000 USD.
CEO Yan của CBRE dự kiến sẽ có thêm nhiều gia đình phải bán bất động sản trong năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như không vội vàng cắt giảm lãi suất. Điều đó có nghĩa là chủ nhà có thể phải đối mặt với lãi suất vay trên 5%, cao hơn mức lợi suất cho thuê thông thường là 3%.
Ông Yan bình luận: "Nếu tình hình này kéo dài hơn, ngày càng nhiều chủ sở hữu sẽ gặp khó khăn. Một số người trong số họ có thể vỡ nợ, gặp vấn đề về dòng tiền và buộc phải bán bất động sản của mình".
Theo Reuters, SCMP