HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Siêu cường châu Âu gây tranh cãi với dự án đường sắt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Mỗi dặm tốn đến 416 triệu USD, trải qua 5 đời lãnh đạo, 12 năm ‘trầy trật’ vẫn chưa xong

Ngọc Hân

(Thị trường tài chính) - Dù mang tham vọng kết nối các thành phố lớn và thúc đẩy kinh tế vùng, dự án đường sắt HS2 của nước Anh hiện chỉ giới hạn ở quy mô thu nhỏ, để lại nhiều câu hỏi về tương lai và giá trị thực sự của nó.

Theo Chính phủ Anh, giai đoạn đầu tiên – và hiện cũng là giai đoạn duy nhất – của dự án đường sắt cao tốc High Speed 2 (HS2) ước tính sẽ tiêu tốn từ 58,4 tỷ - 70 tỷ USD. Điều này đưa chi phí tuyến đường lên mức đáng kinh ngạc là 416 triệu USD/dặm, khiến HS2 trở thành dự án đường sắt đắt đỏ nhất thế giới.

Để so sánh, tuyến TGV Tours-Bordeaux ở Pháp có chi phí khoảng 32 - 40 triệu USD/dặm vào giữa những năm 2010, phần lớn đi qua các khu vực nông nghiệp thưa thớt dân cư. Các dự án đường sắt cao tốc khác ở châu Âu thường có chi phí khoảng 66,4 triệu USD mỗi dặm. 

Siêu cường châu Âu gây tranh cãi với dự án đường sắt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Mỗi dặm tốn đến 416 triệu USD, trải qua 5 đời lãnh đạo, 12 năm ‘trầy trật’ vẫn chưa xong  - ảnh 1Các kỹ sư kiểm tra tiến độ xây dựng đường hầm Bromford vào tháng 9/2024, một phần của dự án đường sắt quy mô lớn HS2 tại Anh. Ảnh: Christopher Furlong

 

Tiêu chuẩn "vàng"

CNN cho hay, HS2 được thiết kế với những thành tựu kỹ thuật đáng kinh ngạc.

Cầu cạn Colne Valley, được xây để kết nối tuyến đường sắt từ London tới Birmingham, trải dài hơn 2 dặm (tương đương khoảng 3,3km) qua các hồ nước và đường thủy. Cầu cạn này là một phần của mạng lưới 500 cây cầu và công trình dọc theo tuyến HS2, bao gồm cầu đi bộ, cống thoát nước và “cầu xanh”.

Trong khi đó, các nhà ga mới tại London Euston (nếu hoàn thành), Old Oak Common, sân bay Birmingham và Curzon Street ở trung tâm thành phố Birmingham đã được quy hoạch thành những “thánh đường” giao thông hiện đại - lấy cảm hứng từ những nhà ga tàu tráng lệ thời Victoria của Anh.

Hệ thống đường ray "mạ vàng" được thiết kế cho các đoàn tàu nhanh nhất thế giới, dự kiến sẽ vận hành vào những năm 2030. Loại đường ray bê tông đúc sẵn sẽ cần ít bảo trì hơn nhiều so với các tuyến truyền thống. Ngoài ra, một số thiết bị như hệ thống thông gió hầm cũng được khéo léo ngụy trang để hài hòa với môi trường xung quanh.

Siêu cường châu Âu gây tranh cãi với dự án đường sắt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Mỗi dặm tốn đến 416 triệu USD, trải qua 5 đời lãnh đạo, 12 năm ‘trầy trật’ vẫn chưa xong  - ảnh 2Trong hình chụp tháng 9/2023, cổng hầm phía Bắc của HS2  đang được xây dựng tại Chiltern Hills gần Great Missenden. Ảnh: Chris Gorman/Big Ladder

 

Công trình hiện đang được tiến hành tại 350 địa điểm, trong đó sử dụng 4 máy khoan khổng lồ nặng 2.000 tấn để đào các hầm mới – 22km đường hầm đã được hoàn thành trong 3 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng.

Trên mặt đất, công ty HS2 Limited và các nhà thầu đã nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường dọc theo tuyến đường bằng cách điều chỉnh thiết kế để hạn chế thiệt hại cho rừng và khu vực danh lam thắng cảnh, trồng hàng triệu cây mới và tài trợ các dự án môi trường lẫn cộng đồng, từ chương trình tái tạo thiên nhiên hoang dã đến xây dựng sân chơi cho trường học.

Rắc rối kéo dài

Bất chấp tham vọng của Anh, dự án HS2 đang bị coi như một "mớ hỗn độn đắt đỏ" và khó có thể mang lại nhiều lợi ích xã hội - kinh tế như từng hứa hẹn.

Kể từ khi được khởi động vào năm 2012 với tổng chi phí dự kiến 42,8 tỷ USD cho gần 400 dặm đường sắt mới, HS2 đã thay đổi lãnh đạo 5 lần và có tới 7 Chủ tịch. Dự án này đã trải qua sự giám sát (trên lý thuyết) của 6 Thủ tướng, 8 Bộ trưởng tài chính và 9 Bộ trưởng giao thông trong bối cảnh bất ổn chính trị chưa từng có ở Anh.

Đến năm 2024, HS2 đã trở thành biểu tượng cho sự bất lực của nước Anh trong việc hoàn thành các dự án hạ tầng lớn một cách hiệu quả.

Siêu cường châu Âu gây tranh cãi với dự án đường sắt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Mỗi dặm tốn đến 416 triệu USD, trải qua 5 đời lãnh đạo, 12 năm ‘trầy trật’ vẫn chưa xong  - ảnh 3Biển hiệu do các nhà hoạt động môi trường đặt trên hàng rào nhằm phản đối hoạt động chặt cây để phục vụ tuyến đường sắt HS2 vào tháng 4/2021. Ảnh: Mark Kerrison/In Pictures

 

Nhà báo Christian Wolmar cho rằng dự án ngay từ đầu đã có khả năng gặp thất bại, với mức giá tăng vọt do những sai sót cơ bản trong thiết kế như quyết định xây dựng tuyến đường với tốc độ 400 km/giờ - nhanh hơn 100 km/giờ so với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, việc lập kế hoạch yếu kém cho tuyến đường cũng làm tăng thêm chi phí không cần thiết.

Những tranh cãi không hồi kết

Ngay từ đầu, HS2 đã gây phẫn nộ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi quá trình xây dựng cũng như các nhà môi trường đang cố gắng cứu lấy khu rừng cổ đại nằm trên tuyến đường.

Nhiều người tranh cãi rằng ngay từ ban đầu, mức chi phí của HS2 đã là quá cao cho một tuyến đường sắt chỉ rút ngắn thời gian đi lại không đáng kể, bất kể nó có giúp giảm áp lực cho mạng lưới đường sắt hiện tại hay không.

Những nỗ lực nhằm xoa dịu các nhóm này, chẳng hạn như xây dựng "nhà cho dơi" trị giá 130 triệu USD, càng làm tăng thêm chi phí. Mặc dù theo đơn vị xây dựng HS2, không có bằng chứng nào cho thấy dơi bị ảnh hưởng bởi tàu chạy qua.

Thêm vào đó, trong khi những quốc gia khác xây dựng đường sắt mới chủ yếu trên mặt đất hoặc trên cao trên những cầu cạn dài, Anh đã chọn một lộ trình tốn kém hơn nhiều, bao gồm 51km đường hầm và 130 cây cầu. Trung bình, chi phí xây dựng mỗi km đường hầm cao gấp 10 lần so với trên mặt đất.

Siêu cường châu Âu gây tranh cãi với dự án đường sắt đắt đỏ bậc nhất thế giới: Mỗi dặm tốn đến 416 triệu USD, trải qua 5 đời lãnh đạo, 12 năm ‘trầy trật’ vẫn chưa xong  - ảnh 4Phân đoạn sàn cuối cùng của cầu cạn Colne Valley được hạ xuống và cố định tại Maple Cross, Hertfordshire vào tháng 9/2024. Ảnh: Joe Giddens/PA Wire

 

Theo như kế hoạch ban đầu, HS2 được thiết kế như một mạng lưới hình chữ Y nối London với những thành phố lớn ở phía Bắc. Nhưng nhiều đoạn quan trọng đã bị hủy bỏ.

Năm 2023, cựu Thủ tướng Rishi Sunak hủy bỏ tất cả các tuyến phía Bắc Birmingham, viện dẫn lý do tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, quyết định này lại làm tăng thêm 2,6 tỷ USD vào khoản khấu trừ do công việc dở dang.

Mặc dù Chính phủ mới đắc cử tháng 7/2024 đã có những tín hiệu tích cực về việc đầu tư hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành đoạn hầm tới ga London dự kiến vẫn chưa được đảm bảo. Cho đến nay, những lời kêu gọi khôi phục đoạn Birmingham-Crewe ở giai đoạn 2 vẫn bị từ chối.

Hiện tại, dự án còn bị giới hạn chỉ 8 chuyến tàu mỗi giờ giữa London và Birmingham, so với 14 chuyến ban đầu.

Với các phần mở rộng bị hủy bỏ, tiềm năng của HS2 đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Một số nhà lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng việc khôi phục lại đoạn Birmingham-Crewe có thể tiết kiệm chi phí trong dài hạn bằng cách nâng cao giá trị của các hoạt động đường sắt trong tương lai. Nhưng việc không có ngân sách rõ ràng và chi phí ngày càng leo thang, HS2 vẫn là một dự án gây tranh cãi và không chắc chắn.

Theo CNN