HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Samsung, LG, SK và loạt chaebol sắp đón tin vui: Hết cảnh 'khốn đốn' vì thuế thừa kế?

Vũ Bấc

Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố đề xuất kế hoạch cắt giảm đáng kể thuế thừa kế vốn đang ở mức cao nhất thế giới, gỡ bỏ gánh nặng thuế lớn các gia đình tài phiệt (chaebol) đang kiểm soát nhiều trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Theo thông báo từ Bộ Tài chính Hàn Quốc hôm 25/7, Tổng thống Yoon Suk Yeol đề xuất hạ mức thuế thừa kế từ 50% xuống 40%, đồng thời bãi bỏ các quy định bổ sung khiến chủ sở hữu phải đóng thuế cao hơn. Đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc giảm thuế thừa kế kể từ năm 1995, nếu được quốc hội thông qua.

Samsung, LG, SK và loạt chaebol sắp đón tin vui: Hết cảnh 'khốn đốn' vì thuế thừa kế? - ảnh 1
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa đưa ra một trong những đề xuất chính sách gây nhiều tranh cãi về thuế thừa kế tại nền kinh tế được "dẫn đầu" bởi các tập đoàn gia đình lớn (Chaebol)

 

Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc áp dụng mức thuế thừa kế lên đến 60% đối với các cổ đông kiểm soát các công ty lớn như Samsung Electronics Co. Chính sách này buộc nhiều gia đình tỷ phú phải tìm cách lách luật để đối phó với gánh nặng thuế, đồng thời khiến Hàn Quốc trở thành một trong các quốc gia có mức thuế thừa kế cao nhất thế giới.

Mục đích ban đầu của chính sách thuế cao là ngăn chặn việc tích tụ tài sản và quyền lực kinh tế vào tay một số ít gia tộc giàu có điều hành các chaebol. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những hệ lụy không mong muốn. 

Nhiều nhà đầu tư bán lẻ Hàn Quốc chỉ trích chính sách này, cho rằng nó tạo ra hiện tượng "chiết khấu Hàn Quốc" khi các cổ đông kiểm soát có động cơ giữ giá cổ phiếu ở mức thấp một cách giả tạo để tránh thuế, từ đó kìm hãm tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Đề xuất cải cách thuế này vẫn cần được thông qua bởi Quốc hội hiện do phe đối lập kiểm soát. Nếu được chấp thuận, nó có thể mở ra một chương mới trong chính sách thuế và quản lý doanh nghiệp tại Hàn Quốc.

Kỳ vọng giúp nền kinh tế “cất cánh”

Đề xuất cắt giảm thuế thừa kế của chính phủ Hàn Quốc đang tạo ra làn sóng kỳ vọng tích cực trong giới đầu tư và chuyên gia kinh tế.

Vikas Pershad, Giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu châu Á tại M&G Investments (Singapore), nhận định: "Các cổ đông kiểm soát của những tập đoàn lớn như Samsung và Hyundai sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp khi gánh nặng thuế thừa kế giảm đáng kể". Ông cũng dự báo việc cắt giảm thuế "có thể kích thích đầu tư vào thị trường chứng khoán, tăng thanh khoản và nâng định giá các công ty Hàn Quốc".

Trước đây, thuế thừa kế đã gây ra những cú sốc tài chính lớn cho các gia tộc giàu có nhất Hàn Quốc. Điển hình là trường hợp của gia đình cố Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee. Năm 2021, những người thừa kế của ông Lee, với khối tài sản ước tính 20,7 tỷ USD khi ông qua đời vào tháng 10/2020, phải đối mặt với hóa đơn thuế hơn 12 nghìn tỷ won (8,7 tỷ USD) - một trong những khoản thuế thừa kế lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc và thế giới.

Để đối phó, gia tộc Lee đã phải lên kế hoạch trả nợ thuế trong 5 năm, bao gồm việc quyên góp 1 nghìn tỷ won cho các cơ sở y tế và tặng khoảng 23.000 tác phẩm nghệ thuật. Họ cũng tăng đáng kể các khoản vay được bảo đảm bằng cổ phiếu để có nguồn trả thuế mà không mất quyền kiểm soát công ty.

Douglas Kim, nhà phân tích tại Douglas Research Advisory, đánh giá: "Đây là một bước đi quan trọng, vì thuế thừa kế quá cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quản trị doanh nghiệp yếu kém ở Hàn Quốc". Mặc dù dự đoán đề xuất này có thể gặp phải sự phản đối tại Quốc hội, ông Kim vẫn lạc quan cho rằng nó có khả năng được thông qua thành luật vào quý IV năm nay.

Samsung, LG, SK và loạt chaebol sắp đón tin vui: Hết cảnh 'khốn đốn' vì thuế thừa kế? - ảnh 2
Tổng doanh thu của 5 tập đoàn lớn nhất luôn chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc trong 15 năm liên tục tính đến năm 2012, theo cuốn sách “Republic of Chaebol” ("Nền cộng hòa của các tập đoàn tài phiệt") của nhà kinh tế Park Sang-in

 

Tăng trưởng kinh tế hay công bằng xã hội?

Kế hoạch cắt giảm thuế thừa kế của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi giữa giới doanh nghiệp và các nhà hoạt động xã hội, đồng thời giữa Đảng cầm quyền của Tổng thống và Đảng Dân chủ đối lập tại Hàn Quốc. 

Đầu năm nay, khi Tổng thống Yoon gợi ý về việc cải cách thuế thừa kế, lấy Đức làm mô hình tham khảo, Lee Gae-ho - nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Dân chủ đối lập - đã bày tỏ sự "sốc" và cáo buộc Tổng thống đang bảo vệ quyền lợi của giới siêu giàu, đồng thời "lừa dối người dân thường".

Ngược lại, những người ủng hộ cải cách lập luận rằng đây là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Họ chỉ ra rằng mức thuế thừa kế tối đa của Hàn Quốc hiện đứng thứ hai trong các nước OECD, chỉ sau Nhật Bản (55%).

Douglas Kim, chuyên gia phân tích, nhận định rằng chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở Hàn Quốc đã ngăn cản các gia tộc tài phiệt di cư. Ông so sánh với trường hợp của Thụy Điển, nơi thuế thừa kế cực cao (đã bị bãi bỏ cách đây khoảng 20 năm) từng khiến nhiều tỷ phú rời khỏi đất nước, như trường hợp của Ingvar Kamprad - nhà sáng lập IKEA.

Tác động của thuế thừa kế cao đối với cấu trúc doanh nghiệp Hàn Quốc đã được thể hiện rõ qua nhiều trường hợp. Năm ngoái, gia đình của Kim Jung-ju, cố tỷ phú sáng lập Nexon Co., đã phải chuyển nhượng một phần quyền sở hữu tại công ty mẹ NXC Corp. để thanh toán thuế thừa kế, khiến chính phủ Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn thứ hai của NXC.

Chuyên gia Douglas Kim cũng chỉ ra: "Thay vì di cư, một số thành viên của các tập đoàn tài phiệt đã lựa chọn các phương án tái cấu trúc công ty, chẳng hạn như chia tách và sáp nhập, nhằm tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông kiểm soát, nhưng không nhất thiết vì quyền lợi của cổ đông thiểu số".

Quá trình tranh luận của các nhà lập pháp và các bên hữu quan xoay quanh đề xuất này cho thấy sự chia rẽ, cân nhắc phức tạp giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì công bằng xã hội tại Hàn Quốc. 

Theo New York Times,The Straits Times