HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Quốc gia từng giàu có nhất một lục địa nay chìm trong khủng hoảng, đồng tiền mất giá 230%

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ khi lạm phát tăng cao kỷ lục.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và đứng thứ 6 trên thế giới về dân số, là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa nổi bật của lục địa đen này. Nằm tại khu vực Tây Phi, Nigeria có dân số ước tính khoảng 235 triệu người tính đến tháng 12/2024, với hơn 250 nhóm sắc tộc.

Ngôn ngữ chính thức của Nigeria là tiếng Anh, nhưng họ cũng có hơn 500 ngôn ngữ bản địa được sử dụng trên khắp cả nước. Nigeria nổi bật với sự đa dạng văn hóa, từ ẩm thực đặc sắc đến các kỳ quan thiên nhiên và lịch sử phong phú. 

Về kinh tế, quốc gia này sở hữu ngành công nghiệp dầu khí quan trọng cùng một lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh. Thủ đô của Nigeria là Abuja, nằm trong Vùng Lãnh thổ Thủ đô Liên bang, được thành lập năm 1976. 

Trong khi đó, Lagos - thành phố lớn nhất của quốc gia với dân số 16,5 triệu người - vẫn giữ vai trò trung tâm kinh tế và công nghiệp hàng đầu dù không còn là thủ đô.

Quốc gia từng giàu có nhất một lục địa nay chìm trong khủng hoảng, đồng tiền mất giá 230% - ảnh 1Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi. Ảnh: Reuters 

 

Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Lạm phát tăng cao, mất điện thường xuyên và nạn suy dinh dưỡng đã ảnh hưởng đến 4,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, theo chương trình Lương thực Thế giới (WFP). 

BBC nhận định kinh tế Nigeria đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong một thế hệ, gây ra sự phẫn nộ và khó khăn trên diện rộng.

Khoảng một nửa dân số quốc gia này sống tại khu vực nông thôn, có tỷ lệ sinh và tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu - phản ánh thực trạng chung của các quốc gia đang phát triển.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát trong tháng 1/2024 đã đạt 29,9%. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1996, chủ yếu do giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng mạnh. Đồng nội tệ naira mất giá tới 230% trong năm 2023, hiện giao dịch ở mức 1.544 naira đổi 1 USD.

Hệ quả từ tình trạng này đang đè nặng lên cuộc sống của hàng triệu người dân. Việc loại bỏ trợ cấp khí đốt khiến giá nhiên liệu tăng gấp 3 lần, buộc nhiều người dân tại các thành phố lớn như Lagos phải từ bỏ phương tiện cá nhân và chuyển sang đi bộ vì không đủ khả năng chi trả. 

Quốc gia từng giàu có nhất một lục địa nay chìm trong khủng hoảng, đồng tiền mất giá 230% - ảnh 2
Người dân Nigeria phải đối mặt với nhiều áp lực do lạm phát tăng mạnh. Ảnh: MSF

 

Sự phẫn nộ về các chính sách kinh tế còn dẫn đến nhiều cuộc biểu tình, nhưng lực lượng an ninh thường xuyên can thiệp, đôi khi còn bắt giữ người tham gia.

Cuộc khủng hoảng kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày mà còn làm gia tăng các thảm kịch nhân đạo. Trong năm qua, nhiều vụ giẫm đạp nghiêm trọng đã xảy ra tại những sự kiện phân phát thực phẩm và hỗ trợ từ thiện. 

Vào tháng 3/2024, hai sinh viên thiệt mạng và 23 người bị thương trong một vụ giẫm đạp tại Đại học Nasarawa khi nhận gạo từ chính quyền. Cùng thời gian này, 4 phụ nữ mất mạng tại thành phố Bauchi khi đám đông tụ tập bên ngoài văn phòng của một doanh nhân giàu có để chờ được phát khoản tiền hơn 3 USD mua thực phẩm.

Gần đây nhất, hai vụ giẫm đạp liên tiếp xảy ra vào ngày 21/12/2024. Tại thị trấn Okija (bang Anambra), 22 người tử vong khi chen lấn bên ngoài trung tâm phân phối gạo. Ở thủ đô Abuja, 10 người - bao gồm 4 trẻ em - đã thiệt mạng trong một sự kiện phát thực phẩm dành cho người nghèo và người già. 

Quốc gia từng giàu có nhất một lục địa nay chìm trong khủng hoảng, đồng tiền mất giá 230% - ảnh 3
Các thảm kịch xảy ra khi Nigeria đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters 

 

Giới chuyên gia cho rằng tình hình nghiêm trọng hiện nay bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Đồng naira bị đẩy xuống mức thấp chưa từng thấy so với đồng USD do các chính sách tiền tệ thất bại. 

Việc phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa càng khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài, trong khi nguồn thu ngoại tệ lại phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô. Giá dầu giảm mạnh từ năm 2014 đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối, gây sức ép lớn lên nền kinh tế.

Đối mặt với thực trạng này, chuyên gia cảnh báo rằng Chính phủ và các nhà tổ chức cần cải thiện công tác quản lý trong việc phân phối hỗ trợ từ thiện để tránh tái diễn các thảm kịch giẫm đạp. 

Đồng thời, cải cách kinh tế cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng cho người dân và khôi phục ổn định cho nền kinh tế.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, Nigeria vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia quan trọng nhất của châu Phi, với tiềm năng lớn cả về dân số lẫn kinh tế.

Tổng hợp