Nội dung cuộc điện đàm bất ngờ giữa ông Trump và ông Putin ngay sau chiến thắng bầu cử
(Thị trường tài chính) - Ông Trump kêu gọi nhà lãnh đạo Nga tránh leo thang căng thẳng tại Ukraine và nhắc nhở về sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ tại châu Âu.
Ngày 7/11, ngay sau khi được xác định chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã thực hiện cuộc gọi với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ dinh thự Mar-a-Lago, Florida, theo Washington Post.
Cụ thể, ông Trump kêu gọi nhà lãnh đạo Nga tránh leo thang căng thẳng tại Ukraine và nhắc nhở về sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ tại châu Âu. Ông Trump và ông Putin cũng đồng ý duy trì đối thoại để tìm giải pháp hòa bình cho xung đột, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận nhanh chóng.
Trước đó một ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã có cuộc điện đàm với ông Trump, miêu tả đây là cuộc trò chuyện "tuyệt vời". Ông Zelensky chia sẻ, hai bên cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ và thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định nước này không được thông báo trước về cuộc gọi giữa ông Trump và ông Putin, và chưa đưa ra bình luận nào về nội dung cụ thể của cuộc điện đàm.
Chính sách đối ngoại của ông Trump, đặc biệt trong việc xử lý xung đột Nga - Ukraine, gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông nhiều lần nhấn mạnh sẽ chấm dứt xung đột nhanh chóng và thậm chí gợi ý khả năng yêu cầu Ukraine nhượng bộ một số lãnh thổ. Ông Bryan Lanza, cựu cố vấn của ông Trump, từng đề xuất Ukraine từ bỏ tham vọng giành lại bán đảo Crimea để đạt được hòa bình. Tuy nhiên đội ngũ của ông Trump sau đó khẳng định quan điểm này không đại diện cho lập trường chính thức của Tổng thống đắc cử.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Joe Biden cũng có động thái nhằm duy trì cam kết của Mỹ đối với Ukraine. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, ông Biden sẽ dành 70 ngày cuối nhiệm kỳ để thuyết phục Quốc hội và chính quyền sắp tới tiếp tục hỗ trợ Ukraine, cảnh báo rằng việc Mỹ rời bỏ Ukraine có thể gây bất ổn cho châu Âu.
Chính sách của ông Trump với Ukraine đang đối diện với thách thức khi Đảng Cộng hòa, với đa số ghế ở Thượng viện và khả năng kiểm soát Hạ viện, có xu hướng giảm quy mô viện trợ. Một số thành viên đảng này, như Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, ủng hộ quan điểm giảm bớt hỗ trợ cho Ukraine, cho rằng Mỹ cần ưu tiên bảo vệ chủ quyền của mình.
Ông Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025, đánh dấu một giai đoạn mới cho chính sách đối ngoại Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông từng nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine - Nga trong vòng một ngày nếu tái đắc cử. Ông cho biết sẽ gọi điện cho Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine, đề nghị họ ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông không nêu rõ có thể gây sức ép bằng cách nào để buộc Kiev, Moscow đàm phán và đưa ra nhượng bộ.
Theo Washington Post