HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nhiều startup xe điện Trung Quốc chi cho R&D nhiều hơn cả Tesla dù đang 'gồng lỗ'

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc đang chi tiêu một phần đáng kể doanh thu của họ cho hoạt động nghiên cứu công nghệ xe, thậm chí vượt qua cả Tesla.

Theo phân tích của CNBC về báo cáo thu nhập quý đầu năm 2024 của bốn nhà sản xuất ô tô, các công ty xe điện Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn cho nghiên cứu so với tỷ lệ doanh thu của Tesla.

Đây được coi là một chiến lược để tồn tại trong thị trường ô tô cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc, cũng là thị trường lớn nhất thế giới. Các phương tiện sử dụng năng lượng mới, bao gồm cả xe chạy pin và xe hybrid, đã tăng trưởng nhanh chóng lên hơn 40% doanh số bán hàng.

Paul Gong, nhà phân tích ô tô tại UBS, nói rằng nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chi tiêu bằng hoặc nhiều hơn các đối thủ cùng ngành trên toàn cầu tính theo phần trăm doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), một mức tăng đáng kể so với nhiều năm trước.

Nhiều startup xe điện Trung Quốc chi cho R&D nhiều hơn cả Tesla dù đang 'gồng lỗ' - ảnh 1Nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 của Nio tại thành phố Hợp Phì có khoảng 2.000 công nhân và 756 robot. Ảnh: CNBC

 

Trong số 4 thương hiệu xe điện Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, Nio đứng đầu với mức chi gần 29% doanh thu trong 3 tháng đầu năm cho hoạt động R&D. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5,4% của Tesla trong quý I/2024 và 4,2% trong quý thứ 2. Hãng xe của Elon Musk nổi tiếng là có tỷ lệ tương đối thấp.

Được biết Nio đã hoạt động thua lỗ trong nhiều năm và chỉ mới ghi nhận lượng giao hàng cho những mẫu xe cao cấp của hãng tăng lên trong vài tháng qua.

Feng Shen, Chủ tịch ủy ban quản lý chất lượng của Nio, bình luận: “Hiện tại mọi người đang bàn luận về sự thoái hóa”. Ông đề cập đến một thuật ngữ phổ biến ở Trung Quốc để mô tả sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là trong ngành xe điện.

Vị Chủ tịch cũng vạch ra kế hoạch lớn cho Nio nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ yếu bắt đầu bằng việc đổi mới công nghệ và chuỗi cung ứng.

Lợi thế từ chuỗi cung ứng

Thành phố Hợp Phì nằm ở trung tâm tỉnh An Huy ở phía Tây Thượng Hải, Trung Quốc. Khu vực mà theo tuyên bố của Trung Quốc, có nhiều nhà máy đến nỗi một nhà sản xuất xe điện mới có thể tìm thấy tất cả các bộ phận cần thiết trong vòng 4 giờ lái xe.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho hay, họ đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng để tạo ra hàng trăm mẫu xe tốt nhất và đạt tiêu chuẩn ứng dụng cho sản xuất thông minh trong ngành.

Jing Yang, Giám đốc bộ phận xếp hạng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương của Fitch Ratings (chuyên về ô tô Trung Quốc), đánh giá: “Một lợi thế cạnh tranh quan trọng của các công ty Trung Quốc tại thị trường nội địa chính là chuỗi cung ứng hiệu quả cao”.

Nhiều startup xe điện Trung Quốc chi cho R&D nhiều hơn cả Tesla dù đang 'gồng lỗ' - ảnh 2Các công ty xe điện Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào mảng R&D. Ảnh: CNBC

 

Tại một nơi khác ở tỉnh Chiết Giang, là nơi đặt trụ sở của gã khổng lồ ô tô Geely và công ty con xe điện Zeekr.

Kết quả quý đầu năm 2024 của Zeekr cho thấy công ty đầu tư khoảng 13% doanh thu cho hoạt động R&D. Trong khi đó, Geely chi ít nhất 4% doanh thu cho nghiên cứu trong 4  năm qua, tăng đáng kể so với những năm trước.

Phó Chủ tịch phụ trách mảng R&D ô tô của Geely, Ren Xiangfei cho biết mặc dù công ty đang tìm cách cải thiện cả phần cứng và phần mềm cho ô tô, họ nhận ra phần mềm có thể tạo ra sự khác biệt nhiều hơn.

“Từ góc nhìn của người dùng, những chức năng mang lại nhiều bất ngờ hơn phải được thực hiện thông qua phần mềm”, Ren nói. Phần mềm ô tô bao gồm các tính năng hỗ trợ người lái, giải trí trong xe và bảo mật.

CNBC đưa tin, Geely vào tháng trước vừa tung ra “Pin lưỡi dao ngắn Aegis”, loại pin được nhà sản xuất ô tô khẳng định đã vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn của ngành mà không phát nổ.

Đây dự kiến sẽ là đối thủ của “pin lưỡi dao” của BYD, được cho là giúp đưa công ty này lên vị trí dẫn đầu về xe điện. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, Geely đứng thứ 2 về doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới trong nửa đầu năm nay, đẩy Tesla xuống vị trí thứ 3.

Công ty công nghệ hay nhà sản xuất ô tô?

Bên cạnh đó, nhà phân tích Gong của UBS cảnh báo tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu so với doanh số (đôi khi được gọi là cường độ R&D) không phải là thước đo chính xác về đổi mới công nghệ.

“Nếu họ bán được nhiều xe hơn với lợi nhuận tốt hơn, thì điều đó về cơ bản có nghĩa là cách đổi mới của họ có thể đúng. Một vài trong số đó có thể không liên quan đến những tính năng thú vị,” Gong nhận định. 

Nhiều startup xe điện Trung Quốc chi cho R&D nhiều hơn cả Tesla dù đang 'gồng lỗ' - ảnh 3Các công ty đang cạnh tranh để phát triển những loại pin hiệu quả hơn và phần mềm thông minh hơn, nhằm tạo sự khác biệt so với các đối thủ. Ảnh: CNBC

Xpeng có cường độ R&D là 20% trong quý I/2024 trong khi Li Auto chỉ đạt 11%. Tuy nhiên, những chiếc xe được mở rộng phạm vi hoạt động của công ty lại bán chạy hơn nhiều so với những chiếc chạy bằng pin thuần túy.

Khi tính theo số tiền đô la tuyệt đối (ABS), BYD đã bỏ ra khoảng 1,47 tỷ USD cho việc nghiên cứu trong quý I/2024 - tương đương 8,5% doanh thu của công ty.

Con số này nhiều hơn con số 1,15 tỷ USD của Tesla cho nghiên cứu và phát triển trong thời gian đó.

Số tiền đô la tuyệt đối có nghĩa là số tiền cụ thể do khách hàng chỉ định liên quan đến các giao dịch được thực hiện theo số tiền giao dịch tối thiểu/tối đa. Giá trị hiện tại của 1 ABS là 0,00 USD.

Jing Liu, Giám đốc trung tâm nghiên cứu đầu tư tại trường Kinh doanh Cheung Kong, cho rằng trong tương lai, các công ty xe điện sẽ cố gắng tạo nên sự khác biệt về mảng pin và phần mềm – hai hạng mục lần lượt do CATL và Huawei thống trị.

Ông Liu nhận xét, khó có công ty nào có thể sản xuất sản phẩm tốt hơn một trong hai nhà cung cấp nói trên. Nhưng theo ông, điều đó có nghĩa là cuối cùng, các nhà sản xuất ô tô đều sẽ gặp khó khăn trong việc trở nên nổi bật tại một thị trường mà người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các thương hiệu.

Theo CNBC