Nguy cơ vỡ đập thủy điện lớn nhất, một quốc gia từng phát lệnh sơ tán khẩn cấp 24.000 dân, đội cứu hộ 1.700 người lập tức hành động
(Thị trường tài chính) - Hồi tháng 5/2018, dự án đập thủy điện Ituango đã gặp phải sự cố nghiêm trọng khi đập có nguy cơ bị vỡ, gây ra một trong những tình huống khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử xây dựng đập thủy điện ở Colombia.
Đập thủy điện Ituango (Hidroituango) là một trong những dự án thủy điện lớn nhất và quan trọng nhất tại Colombia. Con đập này nằm trên sông Cauca thuộc tỉnh Antioquia và được khởi công từ năm 2010 với vốn đầu tư gần 4 tỷ USD (hơn 98.000 tỷ theo tỷ giá hiện tại).
Sau khi hoàn thành, đập Ituango có công suất 2.400 megawatt và cung cấp khoảng 17% tổng sản lượng điện của quốc gia.
Tuy nhiên, hồi tháng 5/2018, dự án này đã gặp phải sự cố nghiêm trọng khi đập có nguy cơ bị vỡ, gây ra một trong những tình huống khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử xây dựng đập thủy điện ở Colombia.
Cụ thể, vào đầu năm 2018, mưa lớn bất thường đã gây ra lở đất, làm tắc nghẽn một số kênh dẫn nước và đường thoát lũ chính của đập. Điều này đã khiến nước tích tụ nhanh chóng trong hồ chứa, tạo ra áp lực lớn lên thân đập và làm gia tăng nguy cơ vỡ đập.
Trước nguy cơ cận kề, Chính phủ Colombia đã phải ban bố cảnh báo đỏ tại khu vực quanh Ituango sau khi kết cấu của con đập chính và đường dẫn nước sang hồ chứa đã xuất hiện vết nứt.
Các nhà chức trách cũng phát lệnh phải sơ tán 24.000 người dân tại 3 khu dân cư. Tập đoàn Medellín, nhà thầu của thủy điện Ituango cùng Hệ thống Quản lý rủi ro thảm họa quốc gia Colombia đã huy động hơn 1.700 người để cứu hộ, ứng phó với tình huống xấu và khắc phục các nguy cơ tại công trình.
Ngoài ra, để tránh nguy cơ đập thực sự bị vỡ, các kỹ sư đã phải mở các cửa thoát khẩn cấp và sử dụng các biện pháp tạm thời để chuyển hướng nước khỏi thân đập. Tuy nhiên, do lượng nước quá lớn và cấu trúc đập chưa hoàn thành, những biện pháp này chỉ có thể giảm bớt một phần áp lực.
Các đội ngũ kỹ thuật cũng phải làm việc 24/7 để gia cố các phần yếu của đập và theo dõi sát sao mực nước cũng như áp lực lên đập. Nhiều chuyên gia quốc tế từ Mỹ và các quốc gia châu Âu, cũng đã được mời đến để tư vấn và hỗ trợ trong việc quản lý tình huống.
Được biết, nhiều quốc gia và tổ chức đã cung cấp thiết bị, nhân lực và hỗ trợ tài chính để giúp Colombia đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Mặc dù nguy cơ vỡ đập đã được kiểm soát nhưng sự cố cũng đã để lại hậu quả nặng nề. Hàng nghìn người dân đã mất nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và kinh tế địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vụ việc suýt vỡ đập Ituango, Colombia là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng trong việc quản lý rủi ro và giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng các công trình hạ tầng lớn.