HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nghịch lý thị trường lao động Nhật: Thiếu người trầm trọng nhưng vẫn 'kén' sinh viên quốc tế vì 1 lý do

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Nhu cầu lao động tại Nhật Bản ngày càng tăng nhưng rào cản ngôn ngữ vẫn ngăn cản nhiều sinh viên quốc tế tìm việc tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Vấn đề ngôn ngữ gây khúc mắc cho cả nhà tuyển dụng và sinh viên quốc tế. Theo bà Rie Sano, cố vấn nghề nghiệp tại Đại học Tokyo, không một công ty Nhật nào trong số khoảng 50 doanh nghiệp được tiếp cận đồng ý tham gia các Hội thảo nghề nghiệp bằng tiếng Anh dành cho sinh viên quốc tế vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm.

"Các công ty Nhật Bản chưa thực sự nghiêm túc trong việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài chỉ sử dụng tiếng Anh", bà Sano nhận định.

Nghịch lý thị trường lao động Nhật: Thiếu người trầm trọng nhưng vẫn 'kén' sinh viên quốc tế vì 1 lý do - ảnh 1
Sinh viên quốc tế tham dự Hội chợ việc làm tại Tokyo năm 2023

Tuy vậy, số lượng sinh viên quốc tế chọn ở lại Nhật Bản làm việc sau khi tốt nghiệp đang gia tăng. Khảo sát của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản cho thấy 55,3% sinh viên quốc tế tốt nghiệp năm học 2022 quyết định làm việc tại Nhật, tăng đáng kể so với mức 33,4% năm 2012.

Một nguyên nhân khiến sinh viên quốc tế muốn làm việc tại Nhật có thể xuất phát từ tình hình kinh tế ở nước họ. "Việc tìm kiếm việc làm ở Trung Quốc quá khó khăn", một sinh viên Trung Quốc 23 tuổi tại Đại học Tokyo chia sẻ.

Trong khi đó, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Theo Recruit, tỷ lệ việc làm trên số người tìm việc dự kiến tốt nghiệp vào tháng 3/2025 là 1,75, tăng từ mức 1,50 của năm 2022.

Nghịch lý thị trường lao động Nhật: Thiếu người trầm trọng nhưng vẫn 'kén' sinh viên quốc tế vì 1 lý do - ảnh 2
Lượng sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản làm việc tăng đều đặn trong giai đoạn 2012 - 2022

Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ vẫn là thách thức lớn nhất đối với sinh viên quốc tế. Giáo sư Yumiko Furuichi tại Đại học Tokyo cho biết nhiều sinh viên từ bỏ việc tìm việc và trở về nước vì tiếng Nhật. "Nếu không thể viết đơn xin việc hoặc trả lời phỏng vấn bằng tiếng Nhật, họ sẽ bị loại", bà Furuichi nói.

Với đặc thù tuyển dụng của Nhật Bản, quá trình tìm việc thường bắt đầu từ hai năm trước khi tốt nghiệp thông qua các chương trình thực tập. Điều này càng gây khó khăn cho sinh viên quốc tế khi họ chưa đạt trình độ tiếng Nhật thành thạo ở giai đoạn đầu học tập.

Đại học Tokyo - một trường đại học danh giá hàng đầu tại Nhật, đã triển khai các khóa học phát triển nghề nghiệp cho sinh viên quốc tế từ năm 2011. Năm học này, trường giới thiệu thêm khóa học mới dành cho sinh viên có trình độ tiếng Nhật thấp hơn.
"So với một thập kỷ trước, yêu cầu về trình độ tiếng Nhật của nhà tuyển dụng đã tăng lên. Đáng tiếc là nhiều công ty không tuyển được nhân tài chỉ vì họ không đạt trình độ ngôn ngữ", bà Sano nhận định.

Nghịch lý thị trường lao động Nhật: Thiếu người trầm trọng nhưng vẫn 'kén' sinh viên quốc tế vì 1 lý do - ảnh 3
Cổng trường Đại học Tokyo, trường đại học hàng đầu Nhật Bản

Ông Masato Sampei, Chủ tịch công ty hỗ trợ tuyển dụng Asia to Japan, đồng quan điểm: "Doanh nghiệp Nhật sẵn sàng tuyển dụng sinh viên nước ngoài, một phần vì lý do đa dạng hóa. Tuy nhiên, yêu cầu về tiếng Nhật khó thay đổi".

Theo ông Sampei, lý do là các công ty cần đào tạo bằng tiếng Nhật, đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ để theo kịp. "Nếu hạ thấp yêu cầu, việc đào tạo bằng tiếng Anh sẽ là thách thức lớn", ông nói.
Ông cũng chỉ ra một nghịch lý: "Nhiều công ty đang mở rộng kinh doanh hướng đến khách du lịch nội địa, thường hoạt động trong ngành dịch vụ và chấp nhận yêu cầu tiếng Nhật thấp hơn. Tuy nhiên, đây thường không phải là những tập đoàn lớn mà sinh viên quốc tế mong muốn làm việc".
Giáo sư Furuichi thuộc Đại học Tokyo bày tỏ: "Tôi hy vọng các công ty có thể mở rộng cơ hội, giúp sinh viên nước ngoài tìm được công việc phù hợp với năng lực hiện tại của họ".
"Người Nhật không thể đột nhiên nói được tiếng Anh", ông Sampei nhận xét. "Tuy nhiên, số lượng sinh viên Nhật Bản tốt nghiệp đại học sẽ bắt đầu giảm trong tương lai gần. Khi đó, các nhà tuyển dụng sẽ nhận ra họ không thể tuyển đủ nhân lực nếu tiếp tục giữ nguyên tắc cứng nhắc về ngôn ngữ. Điều này sẽ dần mở ra cơ hội cho sinh viên quốc tế".

Theo Nikkei Asia

Ý kiến bạn đọc