Ngân hàng top đầu Singapore ngừng mọi giao dịch với Nga
(Thị trường tài chính) - Các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính của Nga.
Ngân hàng Oversea–Chinese Banking Corp (OCBC), tổ chức cho vay lớn thứ hai của Singapore, đã thông báo sẽ ngừng mọi giao dịch liên quan đến Nga kể từ ngày 1/11/2024.
Các giao dịch này bao gồm việc vận chuyển và buôn bán hàng hóa, dịch vụ với Nga. Quyết định này được đưa ra nhằm tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nguồn tin cho biết, việc ngừng các giao dịch liên quan đến Nga sẽ không ảnh hưởng lớn đến OCBC vì ngân hàng này đã không mở tài khoản mới cho khách hàng Nga trong 2 năm qua. Động thái này cho thấy các ngân hàng đang ngày càng thận trọng hơn trước tình hình địa chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp tục gia tăng.
Nhiều ngân hàng trên toàn thế giới đang cố gắng giảm thiểu rủi ro liên quan đến Nga, nhằm tránh các khoản phạt tiềm ẩn lên đến hàng triệu USD.
Điển hình, vào tháng 7 vừa qua, ngân hàng State Street Bank and Trust Co có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) đã phải trả 7,5 triệu USD để giải quyết cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Việc các ngân hàng từ chối giao dịch với khách hàng Nga đang trở nên phổ biến hơn, nhất là khi phương Tây cảnh báo về các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty tiếp tục kinh doanh với Nga. Không chỉ Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tăng cường áp đặt các lệnh trừng phạt.
Vào tháng 6, Washington mở rộng các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhằm ngăn chặn việc bán chip bán dẫn và các hàng hóa khác cho Nga, nhắm đến các công ty bán hàng thứ ba ở Trung Quốc và các quốc gia khác.
Tờ Izvestia của Nga từng đưa tin vào tháng 8 rằng hầu hết các ngân hàng Trung Quốc đã ngừng xử lý các khoản thanh toán từ Nga, do lo ngại về các lệnh trừng phạt quốc tế. Alexey Razumovsky, Giám đốc thương mại của Impaya Rus, tiết lộ rằng có tới 98% các ngân hàng Trung Quốc, bao gồm cả những ngân hàng quy mô nhỏ, đã từ chối các giao dịch thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ từ phía Nga, gây ra những khó khăn đáng kể cho chuỗi cung ứng của Nga và góp phần đẩy lạm phát lên cao.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ ngoại hối của nước này, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ, đang sụt giảm nghiêm trọng. Từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp Nga đã chịu thiệt hại hàng tỷ USD do các vướng mắc trong thanh toán quốc tế.
Việc ngày càng phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã trở thành vấn đề lớn cho nền kinh tế Nga, vốn đang dần bị cô lập khỏi thị trường toàn cầu sau các lệnh trừng phạt của phương Tây vào năm 2022.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, đồng Nhân dân tệ hiện là loại tiền tệ giao dịch chính của Nga, chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch tiền tệ trong nước trong năm nay.
Theo BI