Nền kinh tế mạnh nhất châu Âu chính thức đối diện ‘thảm cảnh suy yếu’ kéo dài nhất trong lịch sử hậu chiến

Hoàng Tâm

(Thị trường tài chính) - Sự cạnh tranh gia tăng từ quốc tế, chi phí năng lượng đắt đỏ, lãi suất cao và triển vọng kinh tế không ổn định đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đức.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) ngày 13/2 thông báo rằng nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,5% trong năm 2025, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp suy giảm và trở thành giai đoạn suy yếu kéo dài nhất trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến.

Giám đốc điều hành DIHK, bà Helena Melnikov, nhận định đây là một thời điểm bước ngoặt và nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp can thiệp. Bà Melnikov cũng lưu ý rằng có đến 60% doanh nghiệp xem khung chính sách kinh tế là rủi ro kinh doanh lớn nhất mà họ phải đối mặt.

Nền kinh tế mạnh nhất châu Âu chính thức đối diện ‘thảm cảnh suy yếu’ kéo dài nhất trong lịch sử hậu chiến - ảnh 1
Kinh tế Đức sẽ giảm 0,5% trong năm 2025

Sự cạnh tranh gia tăng từ quốc tế, chi phí năng lượng đắt đỏ, lãi suất cao và triển vọng kinh tế không ổn định đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đức, vốn đã suy giảm trong năm 2024 – năm thứ hai liên tiếp.

Cuộc khảo sát với 23.000 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực và khu vực khác nhau cho thấy, trong vòng 12 tháng tới, 31% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh sẽ xấu đi, trong khi chỉ 14% kỳ vọng có sự cải thiện.

Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ 22% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư, trong khi gần 40% dự định cắt giảm ngân sách đầu tư. Bà Melnikov cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, Đức có nguy cơ ngày càng mất đi nền tảng công nghiệp.

Dự báo xuất khẩu cũng không mấy khả quan, khi 28% doanh nghiệp nhận định doanh số bán ra nước ngoài sẽ sụt giảm trong 12 tháng tới, trong khi chỉ 20% kỳ vọng vào sự gia tăng doanh thu từ xuất khẩu.

Ông Volker Treier, người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế của DIHK, nhận định rằng sự suy giảm khả năng cạnh tranh cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa ngành công nghiệp xuất khẩu của Đức – vốn là động lực chính của nền kinh tế nước này.