Một khi Fed cắt giảm lãi suất, vốn ngoại có thể sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam
(Thị trường tài chính) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nửa đầu năm 2024 nhiều thách thức nhưng có 5 động lực chính giúp hỗ trợ thị trường vào nửa cuối năm. Một động lực quan trọng đến từ Fed.
Nhà quản lý quỹ Lumen Vietnam (LVF) vừa công bố báo cáo hoạt động gần đây và đưa ra đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, TTCK Việt Nam đã có nửa đầu năm 2024 nhiều thách thức, đồng thời quỹ cũng chỉ ra 5 động lực chính cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán vào nửa cuối năm.
5 động lực chính của TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm
Theo LVF, khả năng áp lực bán ra của khối ngoại giảm bớt là một động lực tích cực đáng kể cho thị trường. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất, các thị trường mới nổi, gồm cả Việt Nam - dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm mới của nước ngoài.
Hiện tại, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào thời điểm Fed có thể tiến hành xoay trục chính sách. Vào tối thứ 3, ngày 9/7, nhiều dự đoán của thị trường cho thấy khả năng cao Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phẩn trăm vào tháng 9. Tuy nhiên, dự báo trung bình của 19 quan chức thời gian trước chỉ ra Fed sẽ chỉ là cắt giảm lãi suất một lần vào cuối năm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell vừa nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ có thể suy yếu nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài.
Tiếp theo, việc FTSE dự kiến nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025 có khả năng sẽ thúc đẩy hơn nữa dòng vốn nước ngoài. Điều này là nhờ những thay đổi về quy định, ví dụ việc loại bỏ các yêu cầu cấp vốn trước, được kỳ vọng giúp khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện.
Thứ 3, triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ tăng tốc. Được biết, dự báo tăng trưởng GDP trong năm tài chính 2024 đã được điều chỉnh từ mức trước đó 6% tăng lên 6,4%. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi hoạt động tiêu dùng đi lên, sản xuất, xuất khẩu và hoạt động trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế liên tục.
Chưa hết, các luật được đưa ra gần đây nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ví dụ luật VAT sửa đổi dự kiến được thông qua vào tháng 10/2024 - được cho là có thể sẽ hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, Luật Đất đai và Luật Nhà ở được thông qua gần đây - sắp có hiệu lực - dự kiến sẽ thúc đẩy đáng kể cho thị trường bất động sản bằng cách cải thiện tính minh bạch và đơn giản hóa thủ tục về quyền sử dụng đất và giao dịch tài sản.
Cuối cùng, việc chi tiêu tiêu dùng tăng đã hỗ trợ tiêu dùng nội địa phục hồi, từ đó cũng có thể thúc đẩy hoạt động của thị trường. Các doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp hướng đến người tiêu dùng được cho là sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, góp phần vào sự tăng trưởng chung.
Đánh giá thị trường nửa đầu năm 2024
Theo LVF, VN-Index đã có một số biến động trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu chịu ảnh hưởng từ hoạt động chốt lời. Tuy nhiên, điểm sáng là chỉ số đã nhanh chóng vượt qua rào cản tâm lý 1.300 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022, dù cũng có sự giảm nhẹ 1,3% trong tháng 6.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 10,2% tính bằng VND và tăng 5,1% tính bằng đồng USD. Kết quả này đã vượt MSCI Emerging Markets Index và hầu hết các công ty cùng ngành trong khu vực tính theo đồng nội tệ. Điều này thể hiện hiệu quả hoạt động vững chắc so với các quốc gia khác tính bằng đồng USD.
Sự phục hồi của thị trường cũng được thể hiện rõ ràng ở các ngành như Công nghệ thông tin (tăng 47,4% từ đầu năm), hàng tiêu dùng không thiết yếu (tăng 28,7% từ đầu năm) và vật liệu (tăng 8,9% từ đầu năm).
Có thể thấy, ngành công nghệ thông tin đã ghi nhận kết quả tốt nhất trong tháng 6, với mức tăng lên tới 12,2%. Đà tăng này là nhờ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu cũng như các cổ phiếu công nghệ hàng đầu đã tăng mạnh mẽ. Ngành Tài chính cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi tăng 0,5% trong tháng 6.
LVF đang có tổng giá trị tài sản ròng trên 318 triệu USD tính đến cuối tháng 6 và hiệu suất đầu tư ghi nhận âm 0,49% trong tháng.