Dự án siêu máy tính trị giá 800 triệu bảng bị hủy bỏ: Anh rớt khỏi top 50 thế giới, cảnh báo về ‘thảm họa’ cho tương lai công nghệ cao
(Thị trường tài chính) - Mark Parsons, người đứng đầu dự án exascale ở Edinburgh, cho biết sẽ là một "thảm họa" nếu nguồn tài trợ không được khởi động lại.
Giáo sư Mark Parsons, trưởng dự án siêu máy tính trị giá 800 triệu bảng bị Chính phủ nước này hủy bỏ, cảnh báo rằng Vương quốc Anh có thể sẽ kìm hãm “khoa học và đổi mới” nếu không đầu tư vào công nghệ tiên tiến này.
Mark Parsons, giáo sư siêu máy tính tại Đại học Edinburgh, người đã bị cắt nguồn tài trợ cho dự án exascale của mình trong mùa hè qua, cho biết sẽ là một “thảm họa” nếu Vương quốc Anh không khôi phục các nỗ lực xây dựng các khả năng công nghệ thế hệ tiếp theo.
“Chúng ta không thể để một quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng như Anh lại không có siêu máy tính,” ông nói với Financial Times. “Điều đó sẽ cản trở sự phát triển của khoa học và đổi mới tại Anh".
Cảnh báo của ông được đưa ra trong bối cảnh số liệu cho thấy siêu máy tính mạnh nhất của Anh đã bị các đối thủ vượt qua, có nghĩa là quốc gia này không còn siêu máy tính nào trong top 50 thế giới.
Theo ông Parsons, việc khôi phục chương trình exascale sẽ cần khoảng 840 triệu bảng trong 7 năm, với mức đầu tư tối đa 300 triệu bảng mỗi năm. Mặc dù đây là khoản đầu tư đáng kể, nhưng chỉ là phần nhỏ so với nguồn lực các nước khác đang bỏ ra cho siêu máy tính và AI.
Hiện tại, chỉ có 3 siêu máy tính exascale đang hoạt động trên thế giới, tất cả đều ở Mỹ, trong khi Trung Quốc được cho là có ít nhất một hệ thống tương tự.
Việc hủy bỏ dự án vào tháng 8 đã gây tranh cãi, với Bộ trưởng Công nghệ Peter Kyle phản bác rằng khoản 800 triệu bảng từ chính phủ tiền nhiệm chưa từng được đưa vào ngân sách. Parsons chỉ trích "sự thiếu tầm nhìn dài hạn của các Chính phủ kế tiếp" và nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình hóa và mô phỏng số trong phát triển công nghệ hiện đại.
Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ người ta hiểu hết mức độ chúng ta phụ thuộc vào mô hình hóa và mô phỏng thế giới xung quanh mình", với các máy bay và ô tô hiện đại phụ thuộc vào mô hình số trong quá trình phát triển.
Siêu máy tính exascale, với khả năng thực hiện một tỷ tỷ phép toán mỗi giây, đang được coi là bước đột phá quan trọng trong việc mở rộng ứng dụng AI. Hiện chỉ có ba siêu máy tính exascale hoạt động đầy đủ trên thế giới, tất cả đều ở Mỹ, và dự kiến con số này sẽ tăng lên sáu vào cuối năm sau.
Mặc dù Trung Quốc không công khai toàn bộ công suất tính toán, các chuyên gia tin rằng nước này đang sở hữu ít nhất một siêu máy tính exascale.
Tại Anh, các nhà nghiên cứu và giám đốc công nghệ đã hy vọng nhận được cam kết tài trợ cho siêu máy tính trong Ngân sách Mùa Thu vừa qua, nhưng điều này đã không thành hiện thực. Hiện họ đang đặt kỳ vọng vào vòng ngân sách mùa xuân để cứu vãn tương lai của dự án exascale tại Edinburgh.
Lời kêu gọi này càng trở nên cấp thiết sau khi dữ liệu từ bảng xếp hạng Top 500 cho thấy Anh đã rớt khỏi danh sách 50 siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Parsons bác bỏ quan điểm cho rằng chương trình exascale tại Edinburgh chỉ tập trung vào mô hình hóa khoa học mà không chú trọng đến AI. Ông khẳng định: "Các hệ thống AI và mô phỏng không mâu thuẫn với nhau - chúng có thể kết hợp cả hai, như các nước Nhật Bản, Mỹ, Đức và Trung Quốc đang làm."
Theo Parsons, Archer2 - siêu máy tính đang vận hành tại Đại học Edinburgh và sẽ kết thúc vòng đời vào năm 2026 - là nền tảng cho hoạt động khoa học hiện đại với 3.000 người dùng đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và kinh doanh.
Matt Harris, giám đốc Hewlett Packard Enterprise - nhà cung cấp công nghệ cho phần lớn siêu máy tính hàng đầu phương Tây nhấn mạnh, việc thay thế Archer2 bằng một hệ thống cạnh tranh là "nhiệm vụ quốc gia" và cảnh báo Anh đang tụt hậu so với các nước phát triển khác. Harris cho rằng Chính phủ không nên phụ thuộc vào khu vực tư nhân để thay thế đầu tư nhà nước, đồng thời cảnh báo việc chậm trễ trong ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi kinh tế của Vương quốc Anh.
Đáp lại những lo ngại trên, phát ngôn viên chính phủ khẳng định cam kết nâng cao năng lực siêu máy tính của Vương quốc Anh, đồng thời chỉ ra dự án Isambard-AI được nhà nước hỗ trợ tại Đại học Bristol, dự kiến sẽ là một trong những siêu máy tính mạnh nhất thế giới khi đi vào hoạt động vào năm sau.
Theo FT