HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Dior mua túi 1,4 triệu bán gần 71 triệu đồng: Bóc trần mánh khóe bóc lột sức lao động?

Diệp Thảo

(Thị trường tài chính) - Các công tố viên Ý phát hiện Dior đã trả 57 USD (1,4 triệu đồng) để sản xuất những chiếc túi xách được bán lẻ với giá khoảng 2.780 USD (gần 71 triệu đồng).

Theo BI, hai “gã khổng lồ” hàng xa xỉ của Ý chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ để sản xuất những chiếc túi xách được bán lẻ với giá hàng nghìn USD, theo các tài liệu trong một cuộc điều tra toàn diện về các nhà thầu phụ.

Các công tố viên Ý tại Milan đã điều tra việc Dior, công ty con của LVMH, sử dụng các nhà cung cấp bên thứ ba trong những tháng gần đây. Các công tố viên cho biết những công ty này đã bóc lột công nhân để sản xuất túi xách với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ giá bán tại cửa hàng.

Theo các tài liệu được cơ quan chức năng kiểm tra, Dior đã trả cho một nhà cung cấp 57 USD (1,4 triệu đồng) để sản xuất những chiếc túi xách được bán lẻ với giá khoảng 2.780 USD (gần 71 triệu đồng), Reuters đưa tin vào tháng trước. Chi phí này không bao gồm các nguyên liệu thô như da.

Dior mua túi 1,4 triệu bán gần 71 triệu đồng: Bóc trần mánh khóe bóc lột sức lao động? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Ảnh: Getty Images

Theo Reuters, một tài liệu của bên công tố cho biết đơn vị liên quan của Dior đã không áp dụng "các biện pháp thích hợp để kiểm tra điều kiện làm việc thực tế hoặc khả năng kỹ thuật của các công ty ký hợp đồng".

Trong các cuộc điều tra vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, các nhà điều tra đã tìm thấy bằng chứng cho thấy công nhân ngủ ngay tại xưởng để có thể sản xuất túi xách 24/7, Reuters đưa tin. Dữ liệu về tiêu thụ điện cũng cho thấy công việc này được thực hiện cả đêm lẫn ngày nghỉ lễ, theo Reuters.

Công tố viên cho biết các nhà thầu phụ là những công ty do người Trung Quốc sở hữu. Hầu hết công nhân đều đến từ Trung Quốc. Được biết, hai người là người nhập cư bất hợp pháp, trong khi bảy người khác làm việc mà không có giấy tờ tùy thân cần thiết.

Cuộc điều tra cũng cho biết các thiết bị an toàn trên máy dán keo hoặc máy đánh bóng đã được tháo bỏ để công nhân có thể vận hành chúng nhanh hơn.

Các tài liệu của tòa án cho thấy Dior, công ty con của LVMH, đã nộp một bản ghi nhớ nêu bật những cải tiến trong chuỗi cung ứng của mình, theo Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Ba (3/7).

Cuộc điều tra cũng mở rộng đến các nhà thầu của Giorgio Armani và công ty xa xỉ này bị cáo buộc không giám sát chặt chẽ các nhà cung cấp của mình.

Theo các tài liệu mà Reuters có được, Armani đã trả cho các nhà thầu 99 USD (2,5 triệu đồng) cho mỗi túi sản phẩm được bán với giá hơn 1.900 USD (48 triệu đồng) tại các cửa hàng. 

Các thẩm phán ở Milan đã ra lệnh cho các đơn vị của cả hai công ty phải chịu sự quản lý tư pháp trong một năm.  Theo báo cáo của Reuters đầu năm nay, họ vẫn được phép hoạt động trong thời gian này.

Vi phạm quy định lao động thường xuyên xảy ra

Các công tố viên cho biết vi phạm quy định lao động là hành vi phổ biến trong ngành mà các tập đoàn xa xỉ thường xuyên sử dụng để tăng lợi nhuận.

"Đây không phải là vấn đề riêng lẻ liên quan đến các lô sản xuất đơn lẻ mà là phương pháp sản xuất được áp dụng rộng rãi và phổ biến”, Reuters trích dẫn các tài liệu của tòa án về quyết định đưa Dior vào diện quản lý.

“Vấn đề chính rõ ràng là việc đối xử tệ bạc với người lao động. Họ không tuân theo luật lao động về an toàn sức khỏe, giờ làm việc, tiền lương", Chủ tịch Tòa án Milan Fabio Roia nói với Reuters vào đầu năm nay. "Nhưng còn một vấn đề lớn khác: sự cạnh tranh không lành mạnh đẩy các công ty tuân thủ luật pháp ra khỏi thị trường".

Năm ngoái, LVMH có 2.062 nhà cung cấp và nhà thầu phụ, đồng thời đã tiến hành 1.725 cuộc kiểm toán, theo báo cáo trách nhiệm xã hội và môi trường năm 2023.

Bernard Arnault, Giám đốc điều hành của LVMH, là người giàu thứ ba thế giới theo Forbes. Con gái ông, Delphine, là Giám đốc điều hành của Dior.

Theo Business Insider