Cựu CEO Eric Schmidt: Chính sách làm việc tại nhà là sai lầm 'chết người' khiến Google tụt hậu trong cuộc đua AI
(Thị trường tài chính) - “Gã khổng lồ” công cụ tìm kiếm đã đánh mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào tay các công ty khởi nghiệp như OpenAI và Anthropic.
Cựu CEO Google Eric Schmidt, người rời Google vào năm 2020, đã chỉ trích chính sách làm việc tại nhà của công ty trong một cuộc nói chuyện gần đây tại Đại học Stanford, đồng thời nhận định rằng đó là lý do khiến “gã khổng lồ” công cụ tìm kiếm này đang tụt hậu trong cuộc đua AI.
"Google đã quyết định rằng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, về nhà sớm và làm việc tại nhà quan trọng hơn là chiến thắng", Schmidt nói với sinh viên Stanford. "Lý do các công ty khởi nghiệp thành công là vì mọi người làm việc vô cùng cật lực”.
“Tôi xin lỗi vì đã nói thẳng như vậy”, Schmidt tiếp tục trong video được đăng trên kênh YouTube của Đại học Stanford. “Nhưng thực tế, nếu tất cả các bạn rời khỏi trường đại học và thành lập một công ty, bạn sẽ không để mọi người làm việc tại nhà và chỉ đến văn phòng 1 ngày 1 tuần nếu bạn muốn cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp khác”.
Schmidt đưa ra nhận xét này khi trả lời câu hỏi của giáo sư Erik Brynjolfsson về việc Google đã mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào tay các công ty khởi nghiệp như OpenAI và Anthropic.
Làm việc tại nhà trở thành chuẩn mực tại Google sau khi Schmidt rời đi
Schmidt, người lãnh đạo Google từ năm 2001 đến năm 2011 trước khi trao lại quyền điều hành cho đồng sáng lập “gã khổng lồ” công cụ tìm kiếm Larry Page, vẫn giữ chức Chủ tịch điều hành và cố vấn kỹ thuật của Google cho đến năm 2020.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một sự thay đổi đáng kể về văn hóa công sở. Mặc dù mối nguy hiểm của đại dịch đã lùi xa, các công ty vẫn chủ yếu hoạt động từ xa — ít nhất là vài ngày trong mỗi tuần.
Trên thực tế, một nghiên cứu của KPMG gần đây tiết lộ rằng những CEO tin rằng nhân viên văn phòng sẽ quay lại làm việc 5 ngày 1 tuần trong tương lai gần hiện chỉ là thiểu số.
Dù vậy, nhận xét làm việc “1 ngày 1 tuần” của Schmidt là một sự phóng đại: Giống như hầu hết các công ty, Google đã yêu cầu nhân viên đến văn phòng khoảng 3 ngày 1 tuần, theo báo cáo của công ty.
Gần đây, Google thậm chí đã bắt đầu chính thức theo dõi việc quẹt thẻ văn phòng và sử dụng nó như một thước đo trong đánh giá hiệu suất.
Làm việc tại nhà, trở lại văn phòng và năng suất công việc
Schmidt không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên phàn nàn rằng làm việc tại nhà sẽ "giết chết" sự đổi mới.
Tuy nhiên, những CEO yêu cầu nhân viên làm việc tại văn phòng 5 ngày 1 tuần như trước đại dịch, đang đối mặt với nguy cơ thiếu nhân viên để đổi mới.
Hàng loạt nghiên cứu cho thấy rằng nhân viên sẽ nghỉ việc nếu bị buộc phải trở lại các tòa nhà văn phòng của công ty.
Trong khi đó, các lãnh đạo đã thực thi chính sách yêu cầu trở lại văn phòng thừa nhận rằng họ chứng kiến sự hao hụt nhân viên nhiều hơn dự kiến và gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Ví dụ như Elon Musk, người ủng hộ mạnh mẽ việc làm việc tại văn phòng, thừa nhận rằng nhân viên sẽ gọi cho sếp của họ để đối chất hoặc tìm việc khác.
Hoạt động của Twitter (hiện tại là X) đã bị đặt vào tình thế nguy hiểm ngay sau khi ông tiếp quản, khi nhiều nhân viên đã chọn nghỉ việc thay vì đáp ứng yêu cầu đi làm "cật lực" của Musk.
Thậm chí, nếu nhân viên không nghỉ việc vì tức giận, họ có thể sẽ ít hào hứng hơn với công việc của mình: 99% các công ty có yêu cầu trở lại văn phòng đã chứng kiến sự giảm sút về mức độ gắn kết.
Theo Fortune