Công nhân đình công vô thời hạn, ‘tung đòn tấn công’ vào bộ phận trọng yếu: Samsung đáp trả cứng rắn
(Thị trường tài chính) - Một đại diện từ phía ban quản lý Samsung Electronics đã đưa ra lập trường cứng rắn trước động thái của NSEU: “Chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc ‘không làm việc, không trả lương’ và không xem xét việc chuyển đổi ngày đình công thành ngày nghỉ phép hàng năm”.
Mối lo ngại lan rộng
Công đoàn lao động của Samsung Electronics (NSEU) đã đình công hơn 1 tuần. Trước đó, các Giám đốc điều hành của NSEU đã yêu cầu ban quản lý của Samsung Electronics bồi thường cho tất cả các thành viên công đoàn về những tổn thất kinh tế phát sinh do cuộc đình công không lương gây ra.
Tuy nhiên, phía Samsung đang áp dụng nguyên tắc "không làm việc, không trả lương", khiến các công nhân lo lắng họ sẽ hụt một khoản tiền đáng kể.
Cụ thể, theo thông tin trên tờ Business Korea, các thành viên công đoàn tham gia cuộc đình công kéo dài 5 ngày liên tiếp (từ ngày 8-12/7) sẽ không nhận được lương ngày nghỉ hàng tuần, dẫn đến việc khấu trừ 6 ngày lương thường xuyên từ lương tháng tiếp theo.
Theo đó, các thành viên công đoàn cấp trợ lý Giám đốc sẽ mất từ 900.000 đến 1,2 triệu won (tương đương hơn 22 triệu đồng), trong khi các thành viên cấp quản lý sẽ mất từ 1,1 đến 1,5 triệu won (tương đương trong khoảng 20-27 triệu đồng).
Được biết, các Giám đốc điều hành của NSEU trước đó đã khuyến khích các công đoàn viên tham gia đình công, hứa hẹn sẽ “không mất mát gì nếu họ nhận được khoản thanh toán dàn xếp”, cũng như nói rằng họ sẽ yêu cầu ban quan lý của Samsung chuyển đổi ngày đình công thành ngày nghỉ phép hàng năm sau khi giải quyết. Tuy nhiên, họ cũng chưa tiết lộ số tiền hoặc phương thức bồi thường cụ thể cho các thành viên.
Hiện tại, mối lo ngại về việc mất tiền lương do cuộc đình công kéo dài đã lan rộng trong công đoàn. Nhiều thành viên bày tỏ lo lắng về khoản tiền lương bị giảm và yêu cầu công đoàn cung cấp thông tin rõ ràng về số tiền bồi thường và phương pháp tính toán. “Có đúng là khoản thanh toán giải quyết sẽ giống nhau cho tất cả các thành viên hay không, hoặc là sẽ dựa trên số ngày đình công”, một người thắc mắc.
Lập trường của Samsung
Được biết, ban quản lý của Samsung nhấn mạnh rằng nguyên tắc "không làm việc, không trả lương" vẫn không thay đổi trong thời gian đình công và họ không xem xét bất kỳ khoản thanh toán giải quyết nào, Business Korea đưa tin. Nguyên tắc này cũng được quy định trong Luật Công đoàn Lao động Hàn Quốc.
Một đại diện từ phía ban quản lý Samsung Electronics: “Chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc ‘không làm việc, không trả lương’ và không xem xét việc chuyển đổi ngày đình công thành ngày nghỉ phép hàng năm”, trái ngược với kỳ vọng của những người tham gia đình công.
Cuộc đình công đã kéo dài hơn một tuần nhưng vẫn không có dấu hiệu tiến triển trong đàm phán. NSEU vốn đưa ra 4 yêu cầu trong tuyên bố tổng đình công lần thứ 2, gồm có một ngày nghỉ phép thành lập công đoàn, tăng lương cơ bản 3,5%, cải thiện hệ thống thưởng hiệu suất và bồi thường tổn thất kinh tế do đình công không lương. Tuy nhiên, ban quản lý Samsung cho rằng những yêu cầu này là "không công bằng" vì chỉ dành cho thành viên công đoàn.
Số lượng người tham gia đình công đã giảm từ 3.000 người vào ngày 8/7 xuống còn khoảng 200 người vào ngày 15/7. Tuy nhiên, số lượng thành viên NSEU đã vượt quá 33.500 người.
“Tấn công” vào dây chuyên sản xuất HBM
Được biết, NSEU đang khuyến khích dây chuyền sản xuất HBM (Bộ nhớ băng thông cao) hưởng ứng lời kêu gọi đình công, nhằm mục tiêu "gián đoạn sản xuất" của bộ phận trọng yếu này.
Thực trạng hiện tại cho thấy, Samsung cần phải đẩy mạnh dây chuyền sản xuất HBM để có thể bắt kịp và cạnh tranh với đối thủ SK Hynix. Hiện tại, nhu cầu về HBM trên thế giới đã tăng mạnh tới mức cung không đủ cầu.
Đặc biệt, Samsung buộc phải cung cấp sản phẩm HBM3E cho NVIDIA càng sớm càng tốt để không bị tụt hậu. Bởi lẽ, công ty Micron của Mỹ cũng đang bắt đầu tích cực sản xuất hàng loạt HBM3E.
Tham khảo Business Korea