HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

CNN: Ông Trump có thể yêu cầu bỏ chế độ làm việc từ xa để cắt giảm chi phí

Thanh Lê

(Thị trường tài chính) - Cả Musk và Ramaswamy gần đây đều công khai bày tỏ sự lo ngại về số lượng nhân viên làm việc từ xa trong Chính phủ.

Bộ Mới về Hiệu Quả Chính Phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, một tổ chức ngoài Chính phủ do tỷ phú Elon Musk và doanh nhân công nghệ sinh học, cựu ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy đứng đầu, vừa công bố kế hoạch chấm dứt chế độ làm việc từ xa tại các cơ quan liên bang, nhằm giảm bớt lực lượng lao động thông qua việc khuyến khích thôi việc tự nguyện.

CNN: Ông Trump có thể yêu cầu bỏ chế độ làm việc từ xa để cắt giảm chi phí - ảnh 1
DOGE yêu cầu chấm dứt làm việc từ xa để cắt giảm chi phí liên bang 
 

Theo nguồn tin thân cận, mặc dù chưa có quyết định cuối cùng, DOGE sẽ ưu tiên yêu cầu tất cả nhân viên liên bang làm việc trực tiếp tại văn phòng 5 ngày mỗi tuần. Kế hoạch này, kết hợp với việc di dời các cơ quan ra khỏi Washington D.C., được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhiều nhân viên tự nguyện rời bỏ vị trí, từ đó giúp chính quyền mới tiết kiệm chi phí đáng kể.

“Đây là một bước đi dễ hiểu và nhiều công ty đã làm điều này. Vậy tại sao nhân viên liên bang, những người được trả lương bằng tiền thuế của người dân, lại không được yêu cầu đến văn phòng?” nguồn tin cho biết.

Trong một bài viết trên Wall Street Journal, Musk và Ramaswamy đã chỉ trích mạnh mẽ việc làm việc từ xa, khẳng định: "Nếu nhân viên liên bang không muốn làm việc, người nộp thuế Mỹ không nên trả tiền cho họ vì đặc quyền ở nhà trong thời kỳ Covid."

Hiện tại, theo Văn phòng Quản lý Nhân sự, khoảng 1,3 triệu nhân viên liên bang được phép làm việc từ xa, với thời gian làm việc trực tiếp tại văn phòng chiếm 60%.

Everett Kelley, Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ (AFGE) phản bác rằng lập luận về việc nhân viên liên bang không làm việc trực tiếp là thiếu cơ sở. Ông nhấn mạnh mọi thay đổi trong điều kiện làm việc cần được thảo luận thông qua đàm phán tập thể.

Charlie Kirk, nhà hoạt động bảo thủ và người sáng lập Turning Point USA, dự kiến sẽ đảm nhận vai trò cố vấn không chính thức cho DOGE. Trên mạng xã hội X, Kirk đã chỉ trích việc làm việc từ xa là "một vụ cướp lớn với người nộp thuế Mỹ", cho thấy đây có thể là một trong những ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch cải cách sắp tới.

Ảnh hưởng đến cuộc sống nhân viên 

Chính sách mới yêu cầu nhân viên liên bang quay trở lại văn phòng làm việc đang gây ra nhiều lo ngại về tác động đến cuộc sống của nhiều người, đồng thời đặt ra câu hỏi về hiệu quả tiết kiệm chi phí thực sự cho Chính phủ.

“Tôi không thể bỏ nghề này,” một nhân viên của Thư viện Quốc hội sống ở khu vực Trung Tây cho biết mình sẽ phải chuyển về Washington, D.C., dù điều đó có nghĩa là phải xa gia đình.

Người này đã chuyển đến Trung Tây trong thời kỳ Covid-19 để gần gia đình và tiết kiệm chi phí, chấp nhận giảm lương 12.000 USD. Hiện tại, anh đã ổn định cuộc sống với nhà riêng và một mối quan hệ mới. Điều đáng nói là anh không còn văn phòng cũ để quay lại vì không gian đó đã được bố trí cho người khác.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là những người có con nhỏ, cho biết không thể quay lại làm việc trực tiếp. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Thư viện Quốc hội, vốn đang phải đối mặt với tỷ lệ nghỉ việc cao.

Một trường hợp khác cho biết họ sẽ phải mất 2-3 giờ di chuyển mỗi ngày để đến văn phòng gần nhất. "Áp lực sẽ rất lớn", người này nói. "Nếu buộc phải đi làm, tôi sẽ từ chức. Tôi xem đây như một dấu hiệu để bắt đầu chương mới trong cuộc sống".

Các mục tiêu cắt giảm chi phí khác 

Bỏ chế độ làm việc từ xa không phải là biện pháp duy nhất để cắt giảm chi phí mà DOGE có kế hoạch thực hiện thông qua các sắc lệnh hành pháp.

Nguồn tin cho biết, ngoài việc tập trung vào làm việc từ xa, còn có nhiều sắc lệnh hành pháp khác dự kiến sẽ được ông Trump đưa ra nhằm giảm chi phí ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, các khuyến nghị của DOGE không chỉ dừng lại ở các sắc lệnh hành pháp, mà còn sẽ có kế hoạch dài hạn để cắt giảm sâu hơn.

Ramaswamy đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách cho các chương trình không còn được Quốc hội ủy quyền nhưng vẫn nhận kinh phí. Nhóm của ông đang rà soát toàn diện các lĩnh vực có thể cắt giảm trong Chính phủ liên bang, đồng thời xây dựng cơ sở pháp lý cho những đề xuất này.

Mặc dù Musk và Ramaswamy có kế hoạch mở rộng đội ngũ, nguồn tin cho biết quy mô sẽ được giữ ở mức nhỏ gọn. Đa phần các cơ quan sẽ tự xác định những nơi có thể cắt giảm.

Theo CNN