HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chuyên gia: Cú sập mới nhất của TTCK là một ‘điềm báo’, kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ lớn

Diệp Thảo

(Thị trường tài chính) -Mark Mobius cho biết đợt bán tháo cổ phiếu gần đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về những gì sắp xảy ra với nền kinh tế Mỹ.

Theo tỷ phú Mark Mobius, đợt bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán tuần này không phải là sự kiện bất thường. Đợt điều chỉnh gần đây có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều rắc rối hơn nữa.

CEO Mobius Capital Partners đã chỉ ra sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu vào hôm 5/8, với S&P 500 ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 2 năm trở lại đây, sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn mong đợi và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất.

Một số nhà bình luận cho rằng đợt bán tháo là một đợt điều chỉnh lành mạnh đối với cổ phiếu Mỹ, vì mức định giá đã leo lên quá cao. Tuy nhiên, Mobius nói với The Economic Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng có nhiều khả năng đợt bán tháo này là do các vấn đề sâu sắc hơn trong nền kinh tế và tình hình chính trị.

Chuyên gia: Cú sập mới nhất của TTCK là một ‘điềm báo’, kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ lớn - ảnh 1
Tỷ phú Mark Mobius

"Về bản chất, nó không mang tính kỹ thuật", Mobius nói về đợt bán tháo đầu tuần này, chỉ ra căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn thế giới, cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. "Tất cả những điều này kết hợp lại tạo ra rất nhiều sự bất ổn. Và sau đó, tình hình ở Nhật Bản đã gây ra một phản ứng dây chuyền, và tất nhiên thị trường Mỹ đã đi xuống".

Mobius cho rằng cổ phiếu có thể còn giảm giá hơn nữa. Ông dự đoán rằng việc đảo ngược giao dịch chênh lệch lãi suất— vốn nổi lên như một thủ phạm gây ra đợt bán tháo tuần này — có khả năng còn tiếp tục.

Trong khi đó, nền kinh tế có vẻ như sẽ "gặp nhiều vấn đề hơn trong tương lai". Lo ngại về suy thoái tăng vọt trong tuần này sau khi thị trường việc làm Mỹ chậm lại nhiều hơn dự kiến trong tháng 7.

Mobius cho biết thêm rằng cảnh báo về sự suy thoái kinh tế cũng xuất phát từ nguồn cung tiền, mà Fed đã giảm "đáng kể" khi cố gắng hạ nhiệt lạm phát trong vài năm qua.

"Chúng ta hiện đang cảm nhận được tác động của sự cắt giảm này. Nếu bạn nhìn vào mức tăng trưởng cung tiền ở Mỹ, thì hiện tại nó rất thấp", ông nói. "Điều đó có nghĩa là không có nhiều tiền sẽ chảy vào thị trường, doanh nghiệp hoặc nền kinh tế. Vì vậy, đây là một vấn đề cấp thiết và là một vấn đề dài hạn trong tương lai. Chúng ta có nhiều vấn đề hơn ở Mỹ và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình toàn cầu trừ khi nguồn cung tiền tăng nhiều hơn so với hiện tại".

Đối với các nhà đầu tư, đây có thể là thời điểm tốt để giữ nhiều tiền mặt hơn, Mobius nói. Những gián đoạn trên thị trường chứng khoán thường là tín hiệu "trước khi các tác động kinh tế thực sự được nhìn thấy," ông nói thêm.

"Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý kiến hay nếu có khoảng 20% danh mục đầu tư của bạn bằng tiền mặt, hoặc có thể nhiều hơn một chút, vì sẽ có những cơ hội trong tương lai và sẽ là một ý kiến hay nếu có một ít tiền mặt dự phòng", ông nói.

Cổ phiếu đã ổn định trở lại trong tuần này sau đợt bán tháo mạnh hôm 5/8, và tâm lý trên phố Wall nhìn chung vẫn lạc quan, do tăng trưởng kinh tế vững chắc và kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed.

Bank of America cho biết khả năng xảy ra thị trường giá xuống thực sự là không cao vì thị trường không phát ra tín hiệu kỹ thuật nào cho thấy giá cổ phiếu đã đạt đỉnh.

Theo Business Insider

 

Ý kiến bạn đọc