Các loại xe hybrid bán chạy nhất sẽ bị cấm ở Anh: Range Rover, Ford, Volkswagen và Nissan khốn đốn
(Thị trường tài chính) - Giới hạn phát thải được đề xuất là 115g CO2 trên một km có khả năng loại trừ khả năng bán nhiều loại xe hybrid nhẹ và xe hybrid cắm điện, ảnh hưởng đến các mẫu ô tô như Ford Puma, Range Rover Evoque, Nissan Qashqai và Volkswagen Golf.
Một số mẫu xe hybrid bán chạy nhất tại Anh sẽ bị cấm bán sau năm 2030 theo chính sách hạn chế phát thải ròng do các Bộ trưởng nước này đề xuất. Xe hybrid, hay còn gọi là xe lai, là sản phẩm ra đời từ sự kết hợp giữa hai bộ truyền động, bao gồm một động cơ chạy bằng xăng và một mô-tơ chạy bằng điện.
Tờ The Telegraph cho biết, Chính phủ Vương quốc Anh đã ủng hộ việc giới hạn nghiêm ngặt lượng khí thải CO2, điều này có nghĩa là những mẫu xe hybrid mới phổ biến của những “ông lớn” ngành sản xuất ô tô như Range Rover, Ford, Volkswagen (VW) và Nissan sẽ không còn được bán ở nước này sau 6 năm nữa.
Trong các tài liệu tham vấn được công bố một ngày trước lễ Giáng sinh (25/12), Chính phủ Vương quốc Anh đã xác nhận kế hoạch cho phép một số loại xe hybrid mới tiếp tục lưu hành trên thị trường trong 5 năm tới sau khi lệnh cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel nguyên chất có hiệu lực.
Tuy nhiên, giới hạn khí thải được đề xuất nghiêm ngặt hơn dự kiến và có nghĩa là một loạt các loại xe thông dụng sẽ buộc phải biến mất khỏi thị trường "xứ sở sương mù".
Đề xuất này nhằm ngăn chặn tình trạng một số loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel bị cấm trong khi một số loại xe hybrid hiện có gây ô nhiễm nhiều hơn vẫn được bán.
Quy định này sẽ hạn chế lượng khí thải ở mức 115 g CO2 trên 1 km. Điều đó có khả năng loại trừ việc các nhà sản xuất ô tô bán nhiều loại xe hybrid “nhẹ” - loại xe có động cơ điện nhưng không thể sử dụng chúng để di chuyển quãng đường xa cũng như một số lượng nhỏ xe cắm điện.
Theo phân tích của nhật báo The Telegraph, những mẫu xe có thể bị cấm theo quy định này bao gồm các phiên bản hybrid nhẹ của Ford Puma, Range Rover Evoque, Nissan Qashqai và VW Golf, cùng một số mẫu xe khác.
Tác động thực sự có thể còn lớn hơn nữa vì bảng xếp hạng khí thải của hầu hết các loại xe hybrid cắm điện hiện nay không phản ánh hiệu suất thực tế của chúng và danh sách này sẽ luôn được cập nhật.
Trong nhiều trường hợp, lượng khí thải thực tế của xe plug-in (phương tiện sử dụng song song điện chạy bằng pin và xăng/dầu để cung cấp năng lượng cho xe vận hành) cao hơn 243% số liệu trong báo cáo, theo Chính phủ Anh cho biết. Nếu số liệu khí thải được điều chỉnh tăng cao hơn trong những năm tới, nhiều mẫu xe hơn nữa sẽ bị loại khỏi thị trường.
Một lựa chọn khác để hạn chế việc bán xe hybrid bao gồm việc áp dụng giới hạn CO2 đối với toàn bộ xe của các nhà sản xuất, trong đó cơ quan chức năng sẽ sử dụng mức trung bình có tính đến tất cả các mẫu xe của họ.
Cuộc tham vấn đã diễn ra sau sự tranh cãi giữa các nhà sản xuất ô tô và Chính phủ Anh về lệnh bắt buộc xe không phát thải (ZEV) gây tranh cãi, nhằm mục đích thúc đẩy doanh số bán xe điện.
Theo lệnh này, thị phần xe điện do các nhà sản xuất ô tô bán ra phải tăng dần từ 22% trong năm nay lên 80% vào năm 2030.
Cựu Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã hoãn lệnh cấm hoàn toàn ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel cho đến năm 2035. Tuy nhiên trước thềm cuộc bầu cử mùa hè năm nay, Đảng Lao động đã hứa sẽ đưa lệnh cấm trở lại vào năm 2030.
Các Bộ trưởng quốc gia Tây Âu này luôn có kế hoạch cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel “thuần túy”. Nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều nhầm lẫn về ý nghĩa của việc này đối với xe hybrid, loại xe có thể chạy một phần bằng động cơ điện, trước khi lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả các xe động cơ đốt trong được ban hành vào năm 2035.
Trong cuộc tham vấn được công bố vào đêm Giáng sinh (25/12), Chính phủ Anh cho biết họ ủng hộ chính sách cho phép sử dụng xe hybrid từ năm 2030 đến năm 2035, nhưng phải giới hạn lượng khí thải carbon.
Ủy ban cũng đưa ra các phương án nới lỏng một số phần trong lệnh ZEV, ví dụ như cho phép các công ty đạt mục tiêu về xe tải điện được tự do hơn trong mục tiêu về xe điện và yêu cầu các nhà sản xuất đưa ra ý tưởng để thúc đẩy nhu cầu về xe điện.
Bà Heidi Alexander, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh, cho biết ngành công nghiệp ô tô đã bị “kìm hãm bởi sự thiếu chắc chắn và thiếu định hướng”, đồng thời ông nói thêm: “Chính phủ này sẽ thay đổi điều đó. Người lái xe đã chấp nhận xe điện nhanh hơn bao giờ hết, với một trong bốn xe mới được bán vào tháng 11 là xe điện”.
“Các biện pháp hôm nay sẽ giúp chúng tôi tận dụng quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch để hỗ trợ hàng nghìn việc làm, biến Vương quốc Anh thành siêu cường năng lượng sạch và xây dựng lại đất nước này”.
Ông Mike Hawes, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô (SMMT), đại diện cho các nhà sản xuất ô tô, hoan nghênh cuộc tham vấn và kêu gọi một “giải pháp khẩn cấp”.
SMMT ước tính rằng các nhà sản xuất ô tô hiện đang buộc phải giảm giá xe điện hơn 10.000 bảng Anh (hơn 315 triệu đồng) cho mỗi xe để đảm bảo bán đủ số lượng nhằm đáp ứng mục tiêu bắt buộc về xe điện ZEV.
Ông Hawes cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô hoan nghênh việc Chính phủ xem xét lại cả ngày kết thúc việc bán xe ô tô chạy hoàn toàn bằng xăng hoặc dầu diesel và những thay đổi có thể có đối với tính linh hoạt liên quan đến Quy định về xe không phát thải”.
“Đây đều là những vấn đề quan trọng đối với một ngành công nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trên toàn cầu khi cố gắng giảm phát thải carbon trước nhu cầu tự nhiên của thị trường”.
“Ngoài hàng tỷ bảng đầu tư vào công nghệ và sản phẩm mới, chỉ riêng tại Anh trong năm nay, các nhà sản xuất đã phải chịu chi phí chiết khấu lên tới hơn 4 tỷ bảng”.
“Điều này là không bền vững và với thị trường năm 2025 đang chịu áp lực lớn hơn nữa, chúng ta nhất thiết phải đưa ra một giải pháp khẩn cấp, với mục đích rõ ràng là điều chỉnh quy định để hỗ trợ việc giao hàng, được hỗ trợ bởi các ưu đãi mạnh mẽ nhằm kích thích nhu cầu của khách hàng”.
“Hành động như vậy không chỉ hỗ trợ ngành công nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho nền kinh tế, người tiêu dùng, Chính phủ và môi trường.”
Hôm 24/12, một nguồn tin Chính phủ Anh nhấn mạnh rằng vẫn chưa có “vị trí cố định” nào về xe hybrid và các quan chức vẫn đang lắng nghe phản hồi từ các nhà sản xuất ô tô.
Người phát ngôn của hãng xe hơi nổi tiếng Nhật Bản Nissan cho biết: “Nissan vẫn cam kết theo đuổi tương lai hoàn toàn bằng xe điện và luôn ủng hộ các mục tiêu của Lệnh ZEV từ Vương quốc Anh”.
Đồng quan điểm, người phát ngôn của Jaguar Land Rover, công ty sở hữu Range Rover, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Chính phủ Anh trong việc đưa ra cuộc tham vấn này và sẽ hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp ô tô. Chúng tôi đang nghiên cứu chi tiết và phân tích cẩn thận những tác động của chính sách này và sẽ phản hồi đầy đủ”.
Theo The Telegraph/Yahoo! News