HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Ông Donald Trump là người duy nhất trong 46 đời Tổng thống tự chi tiền túi để chạy đua vào Nhà Trắng, với 66 triệu USD trong cuộc đua năm 2016. Ở Mỹ, gây quỹ trở thành hoạt động then chốt trong mọi chiến dịch tranh cử.

Ở Mỹ, vai trò của tiền trong bầu cử là rất lớn, lớn hơn tại bất kỳ nước nào khác. Không có giới hạn pháp lý về chi tiêu tranh cử, và thống kê cho thấy ứng viên chi nhiều thường có tỷ lệ thắng cao hơn. Vì vậy, gây quỹ trở thành hoạt động then chốt trong mọi chiến dịch tranh cử, với nhiều phương thức từ gửi email, tin nhắn, kêu gọi trên mạng xã hội đến tổ chức các buổi dạ tiệc gây quỹ xa hoa.

Theo số liệu mới nhất, suốt cả mùa bầu cử năm nay, ông Donald Trump huy động được tổng cộng 785 triệu USD ủng hộ. Còn bà Kamala Harris đã lập kỷ lục về tốc độ gây quỹ khi tích lũy được hơn 1 tỷ USD trong 3 tháng.

 
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền? - ảnh 1
Tiền tài trợ chi phối chính trị Mỹ từ sau hậu trường của các cuộc bỏ phiếu - Minh họa: Mia Oberländer

 

Các chiến dịch chính trị ở Mỹ rất tốn kém và ngày càng đắt đỏ hơn. Chi tiêu cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đã lên tới 14,4 tỷ USD trong cuộc bầu cử năm 2020, gấp hơn hai lần so với kỷ lục chi tiêu của cuộc đua bốn năm trước đó. Đối với cuộc bầu cử năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 5 tháng 11, các ứng viên và các nhóm ủng hộ họ đã huy động được hơn 14,8 tỷ USD tính đến ngày 31 tháng 8, theo dữ liệu từ Ủy ban Bầu cử Liên bang.

Đáng chú ý, chỉ một 1/3 số tiền này đến từ các ứng viên và đảng phái chính trị. Phần lớn nguồn tài trợ đến từ các Ủy ban Hành động Chính trị (PAC), đặc biệt là các Super PAC - những tổ chức có thể nhận tài trợ không giới hạn miễn là hoạt động độc lập về mặt danh nghĩa với các chiến dịch tranh cử. Các PAC đại diện cho nhiều nhóm lợi ích, từ các ngành công nghiệp, người tiêu dùng, đến công đoàn và các nhóm vận động hành lang.

 

Đặc thù của Hệ thống bầu cử Mỹ

Chiến dịch tranh cử ở Mỹ kéo dài và phức tạp hơn so với nhiều quốc gia khác. Thời gian vận động không bị giới hạn - điển hình như ông Trump đã công bố tranh cử từ tháng 11/2022, gần 2 năm trước ngày bầu cử, trong khi đa phần các ứng viên khác bắt đầu chiến dịch chỉ trước 1 năm. Trong khi đó, Canada chỉ cho phép vận động tối đa 51 ngày, Mexico là 90 ngày.

Một đặc thù khác là hệ thống bầu cử sơ bộ, nơi ứng viên phải giành chiến thắng trước các đối thủ cùng đảng để được vị trí đại diện đảng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Điều này khác biệt hoàn toàn với các nền dân chủ nghị viện, nơi ứng viên thường được lựa chọn bởi cơ chế trong đảng.

Đặc biệt, Mỹ không áp đặt giới hạn chi tiêu tranh cử như nhiều quốc gia khác. Trong khi Canada giới hạn chi phí cho mỗi ghế Quốc hội ở mức 97.000 USD. Nhiều nước như Anh, Đức, Israel còn cung cấp thời lượng phát sóng miễn phí để quảng bá cho ứng viên, nhằm giảm sự chi phối của tiền bạc trong vận động tranh cử.

Mexico thậm chí cấm mua thêm quảng cáo chiến dịch trên đài phát thanh hoặc TV.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền? - ảnh 2
Phần lớn chi tiêu quỹ tranh cử dành cho truyền thông và các chiến dịch vận động

 

Những khoảng trống pháp lý

Hiện nay, trong khi các ứng viên tranh cử vào Lưỡng viện Quốc hội Mỹ không được nhận tiền công quỹ, các ứng viên Tổng thống vẫn có quyền xin tài trợ từ nguồn này. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ khiêm tốn - 62 triệu USD cho vòng sơ bộ và 124 triệu USD cho vòng bầu cử cuối cùng - nguồn tài trợ này chỉ như “muối bỏ bể” khi nhắc tới những chiến dịch vận động khổng lồ tốn kém.

Kể từ khi Barack Obama là ứng viên đầu tiên từ chối nguồn tài trợ này vào năm 2008, hầu hết ứng viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không còn sử dụng nguồn tiền này.

Ở cấp địa phương, 14 tiểu bang cùng hơn 20 thành phố và quận vẫn duy trì các chương trình tài trợ công, từ trợ cấp trực tiếp đến hỗ trợ các khoản quyên góp nhỏ. Tuy nhiên, các chương trình này thường đi kèm những ràng buộc về chi tiêu mà nhiều ứng viên muốn tránh.

Sự trỗi dậy của các “Super PAC”

Gần 50 năm trước, Tòa án Tối cao nước Mỹ đã phán quyết rằng chính phủ không thể hạn chế những chi tiêu nhằm thúc đẩy quan điểm chính trị. Mặc dù tòa vẫn duy trì giới hạn số tiền mà ứng viên có thể nhận từ mỗi nhà tài trợ để ngăn ngừa tham nhũng, nhưng các ứng viên được phép chi tiêu không giới hạn tiền của chính họ cho chiến dịch tranh cử.

Bước ngoặt lớn hơn đến vào năm 2010 khi Tòa án cho phép các tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận, công đoàn và các nhóm lợi ích được chi tiền không giới hạn để tác động đến bầu cử, miễn là họ hoạt động "độc lập" với các chiến dịch tranh cử.

Quyết định này đã mở đường cho sự trỗi dậy của các nhóm đại diện lợi ích quy mô lớn : Super PAC (Political Action Committee - Siêu Ủy ban hành động chính trị).

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền? - ảnh 3
Ngân sách của các chiến dịch tranh cử qua các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ từ năm 2008

 

Theo số liệu từ OpenSecrets - tổ chức nghiên cứu về vai trò của tiền bạc trong chính trị - chi tiêu của các Super PAC trong bầu cử liên bang đã tăng chóng mặt từ 63 triệu USD năm 2010 lên tới 2,1 tỷ USD vào năm 2020.

Như vậy, trong khi các quy định về tài trợ công và giới hạn quyên góp vẫn tồn tại, những khoảng trống pháp lý đã tạo điều kiện cho dòng tiền khổng lồ đổ vào chính trường Mỹ thông qua các Super PAC, biến đây thành công cụ tài chính mạnh mẽ có thể định đoạt kết quả bầu cử.

Các PAC có thể nhận các khoản quyên góp không giới hạn từ các cá nhân, công ty vì lợi nhuận, tổ chức phi lợi nhuận và công đoàn lao động. Các ủy ban này đã trở thành phương tiện chính để các tỷ phú quan tâm đến chính trị tác động đến kết quả bầu cử.

Những cái tên lớn can thiệp vào chính trị Mỹ thông qua dòng tiền có thể kể đến nhà đầu tư Timothy Mellon , người đã trao 125 triệu USD cho PAC của ông Trump; tỷ phú Elon Musk; và nhà quản lý quỹ đầu cơ "Người đánh đổ Ngân hàng Anh quốc" - George Soros với 146 triệu USD cho hai "Super PAC" ủng hộ đảng Dân chủ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền? - ảnh 4Tỷ phú Elon Musk (trái) và Nhà đầu cơ George Soros (phải) là hai trong số rất nhiều người giàu dùng tài trợ để hỗ trợ các chiến dịch tranh cử Tổng thống

 

Sức ảnh hưởng quá lớn của nguồn tài trợ đã khiến niềm tin của công chúng vào nền chính trị dân chủ Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, niềm tin của người Mỹ vào chính phủ đã sụt giảm mạnh từ 52% năm 1972 xuống còn 22% vào tháng 4/2024. Đáng chú ý, 85% người Mỹ cho rằng chi phí vận động tranh cử quá cao đang cản trở "những người tốt" tham gia chính trường.

Theo nghiên cứu của Issue One - tổ chức vận động hạn chế tiền trong chính trị, các Thượng nghị sĩ tái đắc cử năm 2022 phải gây quỹ trung bình 15.600 USD/ngày, trong khi con số này ở Hạ viện là 7.200 USD/ngày. Gây quỹ đã trở thành "công việc toàn thời gian thứ hai" của các nghị sĩ, khiến họ có ít thời gian hơn để giải quyết các vấn đề cử tri, soạn thảo luật và giám sát hành pháp.

Mặc dù mỗi cá nhân chỉ được đóng góp tối đa 3.300 USD cho một ứng viên Tổng thống hoặc Quốc hội, nhưng các khoảng trống pháp lý cho phép nhiều hình thức đóng góp khác với số tiền lớn hơn nhiều:

PAC thông thường: 5.000 USD/người/năm

Ủy ban Đảng cấp quốc gia: 413.000 USD/năm

Ủy ban Đảng cấp bang: 10.000 USD/ủy ban

Ủy ban gây quỹ chung (JFC): Tới 929.600 USD cho Phó Tổng thống Harris và 844.600 USD cho cựu Tổng thống Trump

Cuộc đua tài trợ nóng bỏng năm 2024

Trong đó, Save America - PAC lãnh đạo của Trump đã lập kỷ lục khi huy động được 141 triệu USD. Trong đó, hơn 83 triệu USD, phần lớn từ các khoản đóng góp nhỏ dưới 200 USD, đã được dùng để chi trả phí pháp lý cho các vụ kiện của ông. Quỹ này cũng tài trợ các cuộc mít-tinh và đóng góp 5.000 USD cho hàng trăm ứng viên được Trump ủng hộ trong bầu cử giữa kỳ 2022.

Các PAC cũng đã trở thành công cụ chính để các tỷ phú và giới thượng lưu tác động đến kết quả bầu cử. Điển hình như nhà đầu tư Timothy Mellon đã trao 125 triệu USD cho Super PAC ngầm tài trợ cho ông Trump, trong khi nhà quản lý quỹ George Soros, người ủng hộ đảng Dân chủ, sở hữu hai Super PAC với tổng tài sản lên tới 146 triệu USD.

Với 72% người Mỹ mong muốn có giới hạn chi tiêu cho bầu cử, câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống tài chính chính trị phức tạp này có thực sự phản ánh sự lựa chọn của người dân, hay đang tạo ra một "sân chơi" nghiêng về phía những người có tiền?

Mặc dù có lệnh cấm hợp tác giữa các chiến dịch tranh cử và Super PAC, trên thực tế giới hạn này chỉ ở mức phối hợp chi tiêu và nội dung quảng cáo. Thực tế cho thấy lệnh cấm hiếm khi được thực thi nghiêm ngặt.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền? - ảnh 5Minh họa: Mia Oberländer

 

Cả bà Harris và ông Trump đều đã chỉ định Ủy ban PAC riêng của mình, gửi tín hiệu rõ ràng tới các nhà tài trợ lớn về nơi họ nên đặt tiền. Điển hình như vào tháng 5, Trump đã có mặt tại sự kiện gây quỹ ở Texas cho Make America Great Again Inc. - Super PAC đồng minh và thu về 25 triệu USD.

Chiến dịch của Trump hiện cũng đang thuê ngoài hoạt động vận động thực địa cho các tổ chức như America PAC do Tỷ phú Elon Musk khởi xướng và Turning Point Action - một tổ chức phi lợi nhuận không công khai danh tính nhà tài trợ.

Trước khi rút lui khỏi việc tái tranh cử vào tháng 7, Tổng thống Biden đã nhận được cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD từ các Super PAC và tổ chức vận động phi lợi nhuận của đảng Dân chủ. Các nguồn tài trợ này tập trung vào các vấn đề như môi trường, quyền phá thai và nhắm đến các nhóm cử tri trẻ, phụ nữ cùng cộng đồng thiểu số. Sau đó, các nguồn lực này đã chuyển sang ủng hộ Harris.

Bà Harris đã nắm trong tay lợi thế tài chính đáng kể với 1,4 tỷ USD được huy động cho chiến dịch tranh cử và Đảng Dân chủ, bao gồm cả số tiền từ trước khi Tổng thống Biden rút lui ngày 21/7. Với vị trí kế nhiệm, Harris thừa hưởng toàn bộ nguồn quỹ của chiến dịch - một lợi thế mà bất kỳ ứng viên Dân chủ tiềm năng nào khác đều không có được.

Trong khi đó, Trump và Đảng Cộng hòa chỉ huy động được 765 triệu USD, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức tài chính. Khác với Harris, Trump phải chi tiêu đáng kể cho các cuộc bầu cử sơ bộ căng thẳng trước khi giành được đề cử vào tháng 3. Đáng chú ý, khoảng 10% nguồn quỹ của ông phải dành cho các chi phí do vướng vào nhiều rắc rối pháp lý nghiêm trọng.

screenshot-2024-11-03-105040.png
Chi tiêu cho các chiến dịch quảng cáo cho các ứng viên, phát sóng trên các kênh truyền thông đa phương tiện, chiếm phần lớn quỹ tranh cử

Ông Donald Trump là người duy nhất trong 46 đời Tổng thống Mỹ tự chi tiền túi để chạy đua vào Nhà Trắng, với 66 triệu USD trong cuộc đua năm 2016. Trước đó, tỷ phú Ross Perot đã quyên góp 60 triệu USD cho chiến dịch tranh cử độc lập năm 1992, đạt 19% phiếu phổ thông.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ năm 2020, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã chi 1,1 tỷ USD, trong khi nhà quản lý quỹ Tom Steyer đầu tư 342 triệu USD cho chiến dịch của mình.

Luật bầu cử Mỹ nghiêm cấm mọi đóng góp từ nước ngoài - bao gồm cá nhân, công ty hay chính phủ - cho các cuộc bầu cử liên bang, tiểu bang và địa phương. Công dân nước ngoài, trừ những người có quốc tịch kép là công dân Mỹ, cũng bị cấm tham gia vào quyết định của các chiến dịch và PAC.

Tuy nhiên, các tập đoàn và công dân nước ngoài có thể quyên góp cho các ủy ban nhằm tác động đến kết quả các cuộc trưng cầu dân ý do địa phương và tiểu bang tổ chức, như về ngân sách trường học hay trợ cấp cho xe điện.

Triển vọng cải cách hệ thống tài trợ bầu cử

Với sự chi phối của các nguồn tại trợ ngày càng tăng và ảnh hưởng ngày càng lớn của các PAC, việc cải cách hệ thống tài trợ bầu cử đang trở thành một nhu cầu cấp thiết nhằm phục hồi niềm tin của người dân Mỹ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sân chơi của... tiền? - ảnh 7
Nhiều đề xuất cải cách luật về tài trợ và tài chính cho các chiến dịch tranh cử và hệ thống chính trị Mỹ đã được đưa ra trong nhiều thập kỷ

Hiện nay, một số nhà cải cách đang đề xuất tu chính Hiến pháp để giới hạn các quyền hạn và mối liên hệ giữa các PAC - các ứng viên Quốc hội và Tổng thống. Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang ủng hộ mạnh mẽ xu hướng này.

Tuy nhiên, để sửa đổi Hiến pháp Mỹ cần được 2/3 lưỡng viện Quốc hội thông qua và 3/4 số tiểu bang phê chuẩn - một mục tiêu cực kỳ khó khăn, mà lần gần nhất thực hiện được là vào năm 1992. Trong bối cảnh chính trường đang ngày càng phân cực, việc đạt được sự đồng thuận này là một thách thức lớn.

Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là liệu nước Mỹ có thể tìm được tiếng nói chung để cải cách một hệ thống đang có nguy cơ biến nền dân chủ thành "sân chơi" của những người có tiền, hay sẽ tiếp tục để khoảng cách giữa quyền lực và tiếng nói của người dân ngày càng xa rời?