HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bất chấp lệnh cấm vận, công nghệ Đức và Nhật Bản vẫn xuất hiện trong vũ khí của Nga?

Thanh Lê

(Thị trường tài chính) - Tên lửa Oreshnik được Nga sử dụng để tấn công Ukraine vào tháng 11 cho thấy nước này vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài nằm trong phạm vi trừng phạt của phương Tây.

Tờ Financial Times đưa tin, tên lửa "Oreshnik" mà Tổng thống Vladimir Putin thử nghiệm nhắm vào Ukraine vào tháng trước vẫn đang phụ thuộc vào thiết bị sản xuất tiên tiến của phương Tây.

Bất chấp lệnh cấm vận, công nghệ Đức và Nhật Bản vẫn xuất hiện trong vũ khí của Nga? - ảnh 1
Tên lửa Oreshnik vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài nằm trong phạm vi trừng phạt của phương Tây 

Tình báo Ukraine đã xác định Viện Công nghệ Nhiệt Moscow (MITT) và Sozvezdie là hai viện nghiên cứu vũ khí hàng đầu của Nga chịu trách nhiệm phát triển loại tên lửa này. 

Đáng chú ý, cả hai viện này đều đang tuyển dụng nhân sự có chuyên môn về hệ thống gia công kim loại hiện đại của Đức và Nhật Bản, phản ánh sự phụ thuộc đáng kể vào công nghệ nước ngoài đang bị phương Tây cấm vận.

Sự phụ thuộc này đặc biệt thể hiện rõ trong lĩnh vực điều khiển số máy tính (CNC) - công nghệ then chốt trong sản xuất Oreshnik, cho phép các nhà máy định hình vật liệu với độ chính xác cao thông qua điều khiển máy tính. 

Tổng thống Vladimir Putin mô tả Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và không thể bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng không nào.

Được phát triển dựa trên mẫu RS-26 Rubezh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đây được xem như phản ứng của Nga trước việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Bất chấp lệnh cấm vận, công nghệ Đức và Nhật Bản vẫn xuất hiện trong vũ khí của Nga? - ảnh 2
Tên lửa đạn đạo Oreshnik của Nga

“Chúng tôi có một kho sản phẩm như vậy, một kho hệ thống như vậy sẵn sàng sử dụng", ông Putin cảnh báo sau khi tấn công một nhà máy ở Dnipro, vốn trước đây là cơ sở chế tạo tên lửa tối mật của Liên Xô.

Fanuc của Nhật Bản cùng với các công ty Đức là Siemens và Heidenhain đều sản xuất các hệ thống điều khiển cho máy CNC có độ chính xác cao.

Tên của ba công ty này cũng được đề cập trong các thông báo tuyển dụng của nhà phát triển và sản xuất các thiết bị tác chiến điện tử hàng đầu của Nga Sozvezdie, trong đó liệt kê một trong những chuyên môn của mình là “hệ thống điều khiển tự động và hệ thống truyền thông” dùng cho mục đích quân sự. Thông báo tuyển dụng yêu cầu "kiến thức về hệ thống CNC của Fanuc, Siemens, Heidenhain".

Nga từ lâu đã phụ thuộc vào các máy công cụ sản xuất ở nước ngoài, mặc dù đã có những nỗ lực xây dựng các sản phẩm thay thế trong nước. Mặc dù Nga đang nhập khẩu số lượng lớn máy gia công kim loại từ Trung Quốc, nước này vẫn phải nhập các hệ thống điều khiển từ phương Tây. 

Tại một hội chợ thương mại Nga năm 2024, trong số 12 mẫu thiết bị CNC do 8 công ty Trung Quốc giới thiệu, 11 mẫu được trang bị bộ điều khiển của các công ty Nhật Bản hoặc Đức.

Theo Denys Hutyk, giám đốc điều hành của Hội đồng An ninh Kinh tế Ukraine (ESCU), việc phát triển Oreshnik cho thấy mức độ phụ thuộc đáng kể của ngành công nghiệp quân sự Nga vào thiết bị phương Tây cao cấp. 

Ngay cả Stan, công ty đi đầu trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp CNC nội địa của Nga, cũng đang sử dụng thiết bị của Heidenhain. 

Việc ngăn chặn dòng chảy thiết bị CNC và linh kiện liên quan vào Nga đã trở thành ưu tiên của các đồng minh Kiev. Các thiết bị CNC và các linh kiện liên quan đã được đưa vào danh sách "hàng hóa cao cấp ưu tiên chung" mà họ đặc biệt muốn ngừng cung cấp cho Moscow.

Trong khi đó, ông Nick Pinkston, Giám đốc điều hành Volition, nhận định rằng việc cắt đứt nguồn cung các hệ thống CNC cao cấp sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp quân sự của Nga. "Nếu Nga phải chuyển đổi sang các hệ thống điều khiển khác, họ sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để cấu hình lại máy móc, dẫn đến giảm năng suất và chất lượng sản phẩm".

Bất chấp lệnh cấm vận, công nghệ Đức và Nhật Bản vẫn xuất hiện trong vũ khí của Nga? - ảnh 3
Một công ty quốc phòng tham gia sản xuất Oreshnik, cho thấy một công nhân đứng trước một thiết bị điều khiển mang nhãn hiệu Fanuc

Theo Financial Times, từ đầu năm 2024, Nga đã nhận được các lô hàng trị giá ít nhất 3 triệu USD, bao gồm các thành phần của Heidenhain. 

Một trong những lô hàng được liệt kê bao gồm bộ điều khiển TNC640 của Heidenhain, được sản xuất vào năm 2023. Theo trang web của Heidenhain, TNC640 "xác định phổ công nghệ điều khiển cao cấp trong lĩnh vực của nó" và "cho phép kết hợp các hoạt động phay, tiện và mài".

Với mức giá 345.000 USD, thiết bị này được vận chuyển qua Trung Quốc đến Baltic Industrial Company, một công ty của Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, có lịch sử cung cấp máy CNC cho lĩnh vực quốc phòng.

Siemens tuyên bố rằng họ tuân thủ lệnh trừng phạt và sẽ điều tra "bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự lách luật".

Fanuc xác nhận rằng thiết bị được trình chiếu trong video của Titan-Barrikady giống với sản phẩm của họ, mặc dù họ chỉ ra rằng nó có vẻ đã cũ, đồng thời tuyên bố rằng họ đã "tăng cường cảnh giác và kiểm soát trong các quy trình kiểm soát xuất khẩu của mình để ngăn chặn khả năng chuyển hướng công nghệ hoặc thiết bị cho các thực thể của Nga".

Theo FT