HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

AI - Công cụ hỗ trợ hay 'quả bom' đe dọa ngành công nghiệp sáng tạo?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Liệu AI sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hay kẻ thay thế trong hành trình sáng tạo của con người?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang đến những thay đổi đột phá trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học, y tế đến giáo dục. Tuy nhiên, không ngành nào được chú ý nhiều như ngành công nghiệp sáng tạo – nơi AI được ca ngợi là công cụ thúc đẩy khả năng sáng tạo nhưng đồng thời gây ra nhiều tranh cãi về tác động tiêu cực.

AI - Công cụ hỗ trợ hay 'quả bom' đe dọa ngành công nghiệp sáng tạo? - ảnh 1
OpenAI và Anthropic đang là hai ông lớn dẫn đầu trong các công cụ AI tạo sinh, với ChatGPT và Claude.ai

 

Trong vài năm qua, các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT, Claude.ai, Midjourney và DALL-E không còn chỉ là những ứng dụng công nghệ đơn thuần mà trở thành những “kẻ định hình lại cuộc chơi” trong ngành sáng tạo. Sự kiện tác phẩm “Theấtre D'opéra Spatial” được tạo ra bằng Midjourney giành giải thưởng một cuộc thi nghệ thuật tại Mỹ vào tháng 8/2022 đã châm ngòi cho những tranh cãi về vai trò của AI trong nghệ thuật.

Một mặt, các công cụ AI như Midjourney hay DALL-E đã giúp nhiều nghệ sĩ tăng cường hiệu suất lao động, tạo ra những tác phẩm đột phá mà trước đây họ không tưởng tượng nổi. Mặt khác, ngành sáng tạo đang đối mặt với những thách thức đồng thời, đáng chú ý nhất là nguy cơ AI thay thế vai trò con người và vi phạm bản quyền nghiêm trọng.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hơn 20% lực lượng lao động tại Mỹ đang lo lắng về nguy cơ mất việc do AI. Tuy nhiên, WEF cũng chỉ ra một viễn cảnh tích cực hơn: AI không chỉ thay thế công việc mà còn tạo ra những công việc hoàn toàn mới trong tương lai.

Trong khi đó, kinh đô điện ảnh Hollywood đã có một năm 2023 biến động với những tranh chấp xoay quanh AI. Vào tháng 5/2023, Hiệp hội Nhà văn Mỹ bắt đầu cuộc đình công kéo dài hơn 100 ngày, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho các nhà biên kịch trước nguy cơ AI thay thế công việc.

Trong khi đó, AI lại cho thấy tiềm năng đột phá trong việc đảm bảo tính liên tục trong sản xuất. Bộ phim “Indiana Jones and the Dial of Destiny” trở thành một minh chứng nổi bật khi huyền thoại Harrison Ford được “trẻ hóa” ngoạn mục nhờ AI, dù nam diễn viên đã 80 tuổi.

AI - Công cụ hỗ trợ hay 'quả bom' đe dọa ngành công nghiệp sáng tạo? - ảnh 2
Biểu ngữ với dòng chữ "Bảo ChatGPT đi mà viết", trong cuộc biểu tình của các nhà biên kịch và nhiều nhân viên trong ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood năm 2023

 

Bên cạnh đó, các diễn viên lồng tiếng và nghệ sĩ trong ngành điện ảnh lo ngại rằng AI có thể thay thế vai trò sáng tạo của con người. Duncan Crabtree-Ireland, trưởng đoàn đàm phán của SAG-AFTRA, cho biết: “AI là vấn đề then chốt trong các cuộc đàm phán của chúng tôi”. Ông nhắc nhở đặc biệt tới lĩnh vực lồng tiếng – nơi AI đã có khả năng tạo giọng nói một cách nhanh chóng, gây áp lực lên nghệ sĩ con người.

Trong ngành âm nhạc, AI đang vừa mở ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức cho nghệ sĩ. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 ở Davos, nhà sản xuất huyền thoại Nile Rodgers nhận định: “Công nghệ AI có thể đem đến vẻ đẹp nhưng cũng đầy tàn nhẫn, giống như con người”.

Dù Rodgers chưa trực tiếp sử dụng AI trong sáng tạo, ông hoan nghênh những công cụ AI có thể hỗ trợ nghệ sĩ, nhưng cam kết không ủng hộ AI bắt chước phong cách sáng tạo của nghệ sĩ người thật.

Nhiều nghệ sĩ đã tìm ra cách khai thác AI để thúc đẩy sáng tạo thay vì thay thế con người. Ca sĩ Grimes đã giới thiệu phần mềm Elf.Tech cho phép người dùng hát bằng giọng của cô và chia sẻ bản quyền. The Beatles cũng “hồi sinh” giọng hát John Lennon qua AI để phát hành ca khúc “Now and Then” sau 45 năm.

Neal Mohan, CEO YouTube, coi AI là một “cuộc cách mạng dân chủ hóa sáng tạo”. Theo ông, AI không nên thay thế mà là công cụ nâng cao sáng tạo. Chương trình ươm tạo AI trong âm nhạc của YouTube đang tạo ra những âm thanh “không tưởng” như một minh chứng cho tác động tích cực này.

Nổi bật trong các tranh luận về AI và nghệ thuật là vấn đề bản quyền, tháng 12/2024, gần 40 nhóm sáng tạo tại Anh đã kêu gọi chính phủ bảo vệ quy định bản quyền trong bối cảnh AI tăng cường sử dụng nội dung sáng tạo.

Liên minh Quyền Sáng tạo trong AI nhấn mạnh rằng việc thiết lập thị trường cấp phép sử dụng nội dung sáng tạo trong phát triển AI tạo sinh không chỉ là yêu cầu công bằng mà còn là “cách duy nhất để cả hai lĩnh vực này phát triển bền vững”. 

AI - Công cụ hỗ trợ hay 'quả bom' đe dọa ngành công nghiệp sáng tạo? - ảnh 3
Các thành viên nhóm The Beatles phát hành đĩa đơn "Now and Then", 45 năm sau khi những bản nhạc đầu tiên được viết, với giọng hát của ca sĩ quá cố John Lennon tái tạo bằng AI 

Chính phủ Anh dự kiến sẽ khởi động một cuộc tham vấn mới về AI và các ngành công nghiệp sáng tạo vào ngày 17/12. Tuy nhiên, chủ đề này đã gây tranh cãi vì lo ngại rằng các công ty AI đang sử dụng trái phép một lượng lớn nội dung sáng tạo của Anh mà không trả phí hoặc ghi nguồn.

Trong một tuyên bố với tờ Financial Times, đại diện Liên minh cho biết: “Các ngành công nghiệp sáng tạo tại Anh đóng góp hơn 100 tỷ bảng Anh mỗi năm. Điều đó khẳng định quyền được lên tiếng của chúng tôi. Chìa khóa để duy trì thành công hiện tại và thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai chính là luật bản quyền.”

Việc thành lập liên minh phản ánh mối lo ngại sâu sắc rằng ngành công nghiệp sáng tạo vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với chính phủ về các quy định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các tác giả, nhạc sĩ, nhà báo và nhà làm phim.

Các tổ chức tham gia liên minh bao gồm nhiều tờ báo, hãng xuất bản như DMG (chủ sở hữu Daily Mail), Associated Press (AP), Pan Macmillan,và Financial Times. 

Tuy nhiên, các lãnh đạo ngành công nghiệp sáng tạo lo ngại rằng Chính phủ có thể đưa ra các quy định làm giảm khả năng đàm phán của những người sở hữu bản quyền với các công ty AI. Nhiều chuyên gia trong ngành cáo buộc các công ty AI đã thu thập và sử dụng nội dung sáng tạo của họ để phục vụ mục đích đào tạo AI mà không có sự đồng ý.

Nỗ lực xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tự nguyện giữa các bên đã thất bại trong năm nay do không thể đạt được sự đồng thuận.

Tuần trước, Bộ trưởng Văn hóa Anh Lisa Nandy phát biểu trước một ủy ban quốc hội rằng Chính phủ muốn “đạt được sự cân bằng” giữa việc khuyến khích các tiến bộ công nghệ và bảo vệ quyền lợi của ngành công nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh nỗi lo về pháp lý, sự phản đối gay gắt của cộng đồng sáng tạo đến từ nguy cơ AI có thể thay thế họ trong nhiều lĩnh vực như thiết kế, minh họa, viết lách, âm nhạc và nhiếp ảnh. Các nghệ sĩ nhận thấy AI có khả năng tạo ra sản phẩm với chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn, điều này có thể làm giảm giá trị và cơ hội việc làm của con người.

Hơn nữa, nhiều người cho rằng AI chỉ là một công cụ "copy-paste" và không thể tạo ra những tác phẩm có chiều sâu cảm xúc, ý nghĩa và bản sắc riêng như con người.

Khía cạnh đạo đức và văn hóa cũng được đặt ra trong cuộc tranh luận trên nhiều diễn đàn. Các nghệ sĩ nhấn mạnh rằng nghệ thuật không chỉ đơn giản là việc tạo ra sản phẩm mà còn là một quá trình biểu đạt cá nhân, một cách thể hiện trải nghiệm con người và bản sắc văn hóa. Họ lo ngại rằng AI có thể làm mất đi chiều sâu và ý nghĩa nhân văn của nghệ thuật, biến nó thành một sản phẩm máy móc thiếu linh hồn.

Theo FT, World Economic Forum