2 quốc gia Đông Nam Á lập đặc khu kinh tế lớn gấp 4 lần Singapore, kỳ vọng mang lại 26 tỷ USD/năm
(Thị trường tài chính) - Các nhà lãnh đạo Malaysia và Singapore chuẩn bị chính thức ký kết một thỏa thuận thiết lập khu vực kinh tế đặc biệt nối liền khu vực biên giới giữa hai quốc gia, nhưng triển vọng lợi ích kinh tế tức thì từ sẽ phụ thuộc vào việc thực thi hiệu quả, đặc biệt khi xét đến việc các cuộc đàm phán đã nhiều lần bị trì hoãn kể từ năm 2023.
Hôm nay (7/1), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong sẽ chủ trì buổi lễ ra mắt khu vực kinh tế tại bang Johor, miền Nam Malaysia. Đây là khu vực chia sẻ một trong những điểm qua biên giới đông đúc nhất thế giới với Singapore. Buổi lễ ban đầu đã phải hoãn đến tháng 1 do ông Wong mắc Covid.
Mặc dù chi tiết thỏa thuận chưa được công bố rộng rãi, các quan chức Johor kỳ vọng khu vực này sẽ tạo ra 100.000 việc làm mới và đóng góp 26 tỷ USD vào nền kinh tế Malaysia mỗi năm tính đến năm 2030. Phần lớn đóng góp này dự kiến đến từ các khoản đầu tư mới và sự mở rộng của các công ty Singapore sang Johor, nơi có diện tích đất và nguồn lao động dồi dào hơn Singapore.
Theo Asrul Hadi Abdullah Sani, đối tác tại công ty tư vấn chiến lược ADA Southeast Asia, nếu được thực thi hiệu quả, thỏa thuận sẽ đơn giản hóa quy trình cấp phép, đảm bảo tính minh bạch trong ra quyết định và đem lại nhiều ưu đãi thuế.
Mục tiêu khó nắm bắt
Khu vực kinh tế đặc biệt này sẽ có diện tích hơn 3.500 km², lớn gấp 4 lần Singapore và gần gấp đôi Thâm Quyến (Trung Quốc) - thành phố giáp Hồng Kông mà Malaysia mong muốn học hỏi mô hình thành công.
Tuy nhiên, việc tăng cường quan hệ Johor-Singapore vẫn còn nhiều thách thức. Hiện có hơn 300.000 người qua lại biên giới mỗi ngày, chủ yếu để làm việc, thường xuyên gây tắc nghẽn kéo dài tại hai cây cầu biên giới.
Một dự án kết nối trước đây là tuyến đường sắt cao tốc trị giá hơn 20 tỷ USD đã bị đình trệ do bất đồng về chi phí và các vấn đề khác.
“Có những lo ngại về năng lực hành chính và việc quản lý kỳ vọng của các doanh nghiệp khi qua lại biên giới vào Johor”, Asrul Hadi nói trong một cuộc phỏng vấn trước buổi lễ ký kết.
Vị trí gần Singapore là lợi thế lớn của Johor, điều này thể hiện qua sự bùng nổ các trung tâm dữ liệu tại đây khi Singapore tạm ngừng xây dựng các trung tâm mới từ 2019-2022 do lo ngại về nguồn cung năng lượng.
Biên bản ghi nhớ ký kết tháng 1/2024 tập trung vào việc thúc đẩy di chuyển xuyên biên giới, bao gồm đi lại không cần hộ chiếu và hệ thống kiểm tra mã QR. Tuy nhiên, Malaysia vẫn đang gặp khó khăn trong việc triển khai hệ thống giấy phép xe kỹ thuật số và mới bắt đầu thử nghiệm hệ thống QR, trong khi Singapore đã triển khai các chương trình này quy mô lớn.
Các nhà phân tích còn băn khoăn liệu hai quốc gia có thể đạt được tiến bộ đủ để đơn giản hóa chính sách đầu tư và thuế nhằm thu hút đầu tư mới hay không, đặc biệt khi Singapore có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất khu vực là 17%, trong khi Malaysia là 24%.
“Điểm hấp dẫn của khu vực kinh tế đặc biệt này có thể là các ưu đãi thuế”, Yvonne Beh, đối tác tại công ty luật Wong & Partners ở Kuala Lumpur cho biết. “Đối với các công ty muốn sử dụng Johor như một trung tâm chuỗi cung ứng cho khu vực, miễn thuế nhập khẩu và thuế bán hàng sẽ là điều tối thiểu mà họ mong đợi trước khi xem xét việc thiết lập một trung tâm tại Johor”.
Theo BNN