HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Thành phố giàu nhất Việt Nam muốn phát triển 42 công viên dọc theo bờ của một con sông

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Việc triển khai đồng bộ các công viên này sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện không gian sống và nâng cao chất lượng phát triển đô thị ven sông của TP.

UBND TP.HCM vừa công bố báo cáo tổng kết đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045 với kế hoạch triển khai từ 2020 đến 2025. Báo cáo nêu rõ các định hướng phát triển cho khu vực ven sông Sài Gòn. Theo đó, đề án này được thực hiện theo từng giai đoạn và lộ trình với 80% khối lượng công việc cho giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, sau quá trình làm việc giữa nhóm chuyên gia địa phương và tư vấn nước ngoài, kết quả nghiên cứu đã được tích hợp vào quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, TP.HCM đề xuất xây dựng 42 công viên cây xanh dọc hành lang sông Sài Gòn.

Trước đó, trong báo cáo lần ba về đồ án điều chỉnh quy hoạch TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060, đề xuất đã chia sông Sài Gòn thành ba khu vực phát triển với 17 công viên.

Thành phố giàu nhất Việt Nam muốn phát triển 42 công viên dọc theo bờ của một con sông - ảnh 1
Sông Sài Gòn tại khu vực Quận 1. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Khu vực phía Bắc sẽ phát triển 4 công viên ven sông quan trọng, bao gồm: Công viên gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi), Công viên trung tâm mới (quận 12 và huyện Hóc Môn), Công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một Thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi), và Công viên trung tâm tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).

Khu vực trung tâm TP sẽ có 6 công viên, bao gồm: Công viên Văn hóa Gò Vấp, Công viên Thủ Thiêm, Công viên chân cầu Phú Mỹ, Công viên Thanh Đa, Công viên Tam Phú, và Công viên Rạch Chiếc (TP Thủ Đức).

Khu vực phía Nam sẽ phát triển 7 công viên, bao gồm: Công viên Mũi Đèn Đỏ, Công viên khu Tân Thuận, Công viên Bắc Bình Khánh, Công viên bến Hiệp Phước, Công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè), và Công viên trung tâm đô thị lấn biển (huyện Cần Giờ).

Việc triển khai đồng bộ các công viên này sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện không gian sống và nâng cao chất lượng phát triển đô thị ven sông của TP.HCM.

Chuỗi công viên mới sẽ tạo ra một hạ tầng đa chức năng, giúp tận dụng tối đa tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng cảnh quan dọc theo bờ sông và bảo tồn đa dạng sinh học.

TP.HCM cũng đang định hướng đầu tư vào các dự án hạ tầng xanh như công viên, kè bảo vệ bờ sông, và các bến thủy nội địa. Những dự án này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phân kỳ, phân đoạn và phân vùng không gian, gắn liền với các dự án giao thông và hạ tầng đô thị.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM sẽ tập trung rà soát quỹ đất dọc hành lang sông, từ đó đề xuất phương án phát triển quỹ đất cũng như các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư phù hợp. Việc hợp tác công tư (PPP) cũng sẽ được đẩy mạnh để đảm bảo các công trình và hạ tầng xanh đa chức năng mang tính chống chịu, thích ứng cao, góp phần bảo vệ môi trường.

Sông Sài Gòn, với tiềm năng và lợi thế của mình, sẽ được khai thác tối đa nhằm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và du lịch ven sông, kết nối với hệ sinh thái ven kênh. Điều này sẽ phát triển du lịch đường thủy trở thành một sản phẩm đặc thù của TP.HCM.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, với 107 triệu đồng/người/năm.

Ý kiến bạn đọc