Siêu tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới nặng gần 70.000 tấn, phá được lớp băng dày 4m, tích hợp nhà máy điện công suất 120MW
(Thị trường tài chính) - Với trọng lượng 69.700 tấn, tàu phá băng hạt nhân Rossiya sẽ được trang bị hai lò phản ứng RITM-400.
Nga đang triển khai kế hoạch phát triển mẫu tàu phá băng hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, với ngân sách liên bang gần 1 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để hoàn thiện tàu Rossiya. Đây sẽ là tàu phá băng hạt nhân lớn nhất của Nga, dự kiến được trang bị nhà máy hạt nhân có công suất 120MW – mạnh gấp đôi so với bất kỳ tàu phá băng hạt nhân nào từng được chế tạo trước đây, theo thông tin từ Interesting Engineering ngày 15/10.
Một mẫu tàu phá băng của Nga. Ảnh: Internet
Tàu phá băng hạt nhân được tích hợp nhà máy điện hạt nhân trên tàu, cung cấp năng lượng cho hệ thống đẩy của tàu. Mặc dù chi phí vận hành cao hơn, nhưng những tàu phá băng này có nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu chạy bằng diesel, đặc biệt là trên tuyến Biển Bắc. Việc phá băng đòi hỏi lượng điện lớn, trong khi các điểm tiếp nhiên liệu dọc bờ biển Siberia lại rất hạn chế và yêu cầu khả năng hoạt động lâu dài, khiến việc vận hành tàu chạy bằng diesel trở nên khó khăn ở khu vực này.
Hiện nay, Nga là quốc gia duy nhất xây dựng và vận hành tàu phá băng hạt nhân. Ảnh minh họa
Hiện nay, Nga là quốc gia duy nhất xây dựng và vận hành tàu phá băng hạt nhân, đã phát triển nhiều tàu kể từ thời Liên Xô (cũ) để hỗ trợ vận tải dọc tuyến đường Biển Bắc và các căn cứ tại Bắc Cực của Nga.
Theo gCaptain, với trọng lượng 69.700 tấn, tàu phá băng hạt nhân Rossiya sẽ được trang bị hai lò phản ứng RITM-400. Điều này cho phép tàu có khả năng phá băng dày tới 13 feet (4m), gần gấp đôi so với các tàu phá băng hạt nhân lớp Arktika hiện tại, vốn hiện đang là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới.
Tàu phá băng hạt nhân lớp Arktika hiện đang là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Ảnh: Internet
Tàu phá băng hạt nhân Rossiya dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hải quanh năm qua Bắc Cực. Với chiều rộng 157 feet (48m), tàu được thiết kế để mở ra các đường dẫn rộng trên băng, tạo điều kiện cho các tàu chở LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) và tàu chở dầu đi qua những khu vực khó khăn nhất của tuyến đường biển Biển Bắc của Nga, đặc biệt là ở biển Đông Siberia và biển Chukchi.
Việc đóng con tàu phá băng siêu lớn này bắt đầu tại xưởng đóng tàu Zvezda từ tháng 7/2020, nhưng gần đây đã gặp phải tình trạng chậm tiến độ. Vào đầu năm nay, ngày hoàn thành dự kiến đã được dời từ năm 2027 sang năm 2030. Hiện tại, con tàu mới hoàn thành khoảng 15-20%. Ngân sách dự kiến là 90 tỷ Rúp (khoảng 1 tỷ USD), được phân bổ đều trong các năm 2025, 2026 và 2027, cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ vào dự án này.
Đến năm 2030, Atomflot, đơn vị quản lý đội tàu phá băng chủ chốt của Nga dự kiến sẽ triển khai 17 tàu phá băng dọc Tuyến đường Biển Bắc. Ảnh minh họa
Đến năm 2030, Atomflot, đơn vị quản lý đội tàu phá băng chủ chốt của Nga dự kiến sẽ triển khai 17 tàu phá băng dọc Tuyến đường Biển Bắc, bao gồm 13 tàu hạt nhân và 4 tàu mới sử dụng động cơ thông thường. Hiện tại, Atomflot đang vận hành 7 tàu phá băng hạt nhân, với 4 tàu khác đang được đóng và thêm 1 tàu nữa đã được đặt hàng.
Để tối ưu hóa nguồn lực, công ty có kế hoạch sử dụng các tàu phá băng không hạt nhân tại những khu vực ít thách thức hơn như vịnh Ob và sông Yenisey, từ đó tập trung toàn bộ đội tàu phá băng hạt nhân vào các khu vực khó khăn hơn ở phía Đông.