Siêu dự án 200 nghìn tỷ đào đường hầm 'khủng' 240km thoát nước cho đập thủy điện Tam Hiệp, kết nối kênh đào 1.400km, kỳ vọng 'hô biến' 750.000km2 đất hoang thành trang trại trù phú
(Thị trường tài chính) - Công trình này dự kiến sẽ mất một thập kỷ để hoàn thành với chi phí 8,9 tỷ USD (khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng).
Năm 2022, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đường hầm Yinjiangbuhan dài khoảng 240km sẽ dẫn nước từ đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới, đến sông Hán Thủy, một phụ lưu quan trọng của sông Dương Tử. Nước từ đường hầm sẽ chảy vào hồ chứa Danjiangkou ở hạ lưu sông Hán Thủy, sau đó tiếp tục chảy về phía bắc, đến tận Bắc Kinh qua nhánh giữa của Dự án chuyển nước Nam - Bắc, một hệ thống kênh đào dài 1.400km.
Trên thế giới, Päijänne được biết đến là đường hầm dẫn nước dài nhất thế giới ở Phần Lan, kéo dài 120km qua lớp đá nền và sâu 130m. Tuy nhiên, đường hầm Yinjiangbuhan được xây dựng ở Trung Quốc có chiều dài gấp đôi và có nhiều đoạn sâu đến 1.000m dưới lòng đất. Theo Guangming Daily, công trình này dự kiến sẽ mất một thập kỷ để hoàn thành với chi phí 8,9 tỷ USD. Áp suất, nhiệt độ quá cao, các đường đứt gãy đang hoạt động và nguy cơ lũ lụt là một số thách thức trong quá trình hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, ông Yang Qigui, một nhà khoa học thuộc Viện Khảo sát, quy hoạch, thiết kế và nghiên cứu Trường Giang ở Vũ Hán, lạc quan chia sẻ rằng Trung Quốc đã vượt qua hầu hết các thách thức kỹ thuật nhờ vào nhiều cải tiến trong nhiều năm qua. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng rộng rãi trong các đường hầm dẫn nước gần đây, từ giai đoạn lập kế hoạch, xây dựng, kiểm soát chất lượng đến vận hành lâu dài.
Nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc phân bố rất không đồng đều. Trong khi các khu vực phía Đông và phía Nam thường xuyên đối mặt với lũ lụt, thì vùng phía Tây và phía Bắc lại chịu cảnh thiếu nước, gây cản trở lớn cho phát triển kinh tế và sản xuất lương thực.
Để khắc phục tình trạng này, đường hầm dẫn nước mới dự kiến sẽ biến đổi khoảng 750.000km2 đất hoang thành những trang trại trù phú, nơi có thể trồng lúa mì, lúa gạo, ngô, đậu và nhiều loại cây trồng khác, theo chia sẻ của Liang Shumin, nhà nghiên cứu kinh tế và phát triển tại Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc. Công trình này hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo của nhiều khu vực trên đất nước Trung Quốc.
Chẳng hạn, dự án chuyển nước Nam - Bắc, đã vận chuyển 54 tỷ m3 nước từ khu vực sông Dương Tử, đáp ứng nhu cầu của hơn 140 triệu người ở miền Bắc Trung Quốc kể từ khi vận hành vào năm 2014. Lượng nước này gần tương đương với toàn bộ lượng nước của sông Hoàng Hà. Nhờ đó, ở một số thành phố như Hình Đài, mực nước ngầm đã tăng nhanh đến mức tràn vào các bãi đỗ xe ngầm.
Tổng chiều dài của các đường hầm và kênh đào đang được xây dựng hoặc dự kiến sẽ xây dựng ở Trung Quốc có thể đạt gần 20.000km. Để dễ hình dung, khoảng cách này tương đương với một chuyến đi khứ hồi từ Thượng Hải, Trung Quốc, đến Seattle, Mỹ.
Đập thủy điện Tam Hiệp nằm tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là đập thủy điện lớn nhất thế giới về sản lượng điện, với khả năng sản xuất khoảng 22.500 MW. Công trình khổng lồ này có chi phí xây dựng lên đến 37 tỷ USD. Việc xây dựng đập bắt đầu từ năm 1994 và phải mất 18 năm, đến năm 2012, mới chính thức hoàn thành.