Loạt doanh nhân đình đám từng xuất thân là giảng viên đại học: Chủ tịch FPT Trương Gia Bình 'nặng lòng' với sự nghiệp giáo dục
(Thị trường tài chính) - Tại Việt Nam, không ít doanh nhân "có máu mặt" trên thương trường từng bén duyên với sự nghiệp giảng dạy.
Nhiều doanh nhân nổi đình nổi đám tại Việt Nam từng có quá trình phát triển sự nghiệp đầy thăng trầm. Nhưng không phải ai cũng biết, nhiều doanh nhân thành đạt xuất phát là giảng viên của các trường đại học nổi tiếng, điển hình có lẽ phải kể đến Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, CEO VNDirect Phạm Minh Hương...
1. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình
Ông Trương Gia Bình (sinh năm 1956), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là một trong những người giàu có nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình trí thức, ông đã sớm thể hiện năng lực trong học tập và sau đó trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, đưa FPT trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Năm 1979, ông Gia Bình tốt nghiệp xuất sắc Khoa Toán tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Lomonosov) và tiếp tục con đường học thuật, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào năm 1982. Sau đó, ông vinh dự nhận danh hiệu Phó Giáo sư vào năm 1991.
Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ Toán Lý tại Nga, ông Trương Gia Bình trở về Việt Nam và tiếp tục công việc nghiên cứu tại Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1988, ông cùng các kỹ sư và nhà khoa học khác sáng lập Công ty Công nghệ Thực phẩm, khởi nguồn cho sự ra đời của Tập đoàn FPT - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Không giống nhiều doanh nhân xuất thân từ nghề giáo và sau đó chuyển hướng hoàn toàn sang kinh doanh, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục. Ông đã góp phần quan trọng trong việc thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1995, khiến nơi đây thành một trong những địa chỉ đào tạo MBA uy tín tại Việt Nam.
Năm 2006, ông tiếp tục khẳng định tâm huyết với giáo dục khi cùng doanh nghiệp của mình sáng lập Đại học FPT - ngôi trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam, nơi ông đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT. Không dừng lại ở công tác quản lý, vị doanh nhân sinh năm 1956 còn tham gia trực tiếp vào hoạt động giảng dạy, truyền đạt kiến thức qua các môn học như Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
2. Chủ tịch VNDirect Phạm Minh Hương
Một trong những doanh nhân nổi tiếng trên thương trường là nữ Chủ tịch VNDirect Phạm Minh Hương. "Nữ tướng" này sinh ngày 17/6/1966 tại Thái Bình. Năm 1986, bà tốt nghiệp Thạc sĩ Hệ thống thông tin tại Đại học Bách khoa Kiev, Liên Xô cũ. Sau khi về nước, bà được phân công giảng dạy tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với mức lương 105.000 đồng/tháng.
Sau khoảng một năm giảng dạy, bà Hương chuyển sang lĩnh vực tài chính và gia nhập Citibank N.A. Tại đây, bà đảm nhiệm vị trí Giám đốc Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường Tài chính từ năm 1995 đến 2002. Trong thời gian này, bà cùng các cộng sự đã mang lại lợi nhuận vượt bậc cho ngân hàng, góp phần xây dựng nền tảng uy tín và kinh nghiệm hoạt động trên thị trường tiền tệ.
Trong sự nghiệp, CEO VNDirect đã từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng, cốt cán ở các công ty danh tiếng. Tiếp tục phát triển ở lĩnh vực tài chính, bà Phạm Minh Hương gia nhập Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc trong giai đoạn 2003-2005.
Đến cuối năm 2006, bà Hương cùng chồng là ông Vũ Hiền thành lập Công ty Tập đoàn Đầu tư IPA. Đây chính là nền tảng phát triển cho hệ sinh thái IPA, mà Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán VND) là một thành viên nổi bật.
Năm 2009, bà Phạm Minh Hương đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNDirect, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của công ty. Năm 2017, bà Hương rút khỏi vị trí CEO nhưng tiếp tục quay lại vào năm 2018 để đảm nhiệm đồng thời hai vai trò Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.
Đến tháng 4/2023, bà Hương rời vị trí Chủ tịch HĐQT sau 17 năm gắn bó, giữ lại vai trò Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau, vào tháng 9/2023, bà Phạm Minh Hương trở lại làm Chủ tịch HĐQT VNDirect. Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect hiện đã vươn lên trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam, đánh dấu tầm nhìn chiến lược và sự dẫn dắt xuất sắc của "nữ tướng".
3. Phó Chủ tịch CENLAND Phạm Thanh Hưng
Doanh nhân Phạm Thanh Hưng hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là Shark Hưng, là một trong những người thành công trên thương trường cạnh tranh khốc liệt. Nếu như nhiều doanh nhân khác xuất phát điểm là giảng viên đại học thì Shark Hưng lại bén duyên với lĩnh vực này sau khi đã thành công.
Ông Phạm Thanh Hưng, sinh năm 1972, tốt nghiệp Kỹ sư cơ khí luyện kim tại Đại học Bách khoa Hà Nội và cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Trường Quản trị Kinh doanh, Viện Công nghệ Châu Á (Bangkok, Thái Lan). Hiện tại, doanh nhân này giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn CEN Group và được biết đến rộng rãi qua vai trò nhà đầu tư trong chương trình truyền hình "Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ".
Tháng 3/2022, ông Phạm Thanh Hưng bất ngờ trở lại giảng đường, nơi ông từng học tập để đảm nhận vai trò giảng viên. Ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Quản trị tại Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là cột mốc đáng chú ý trong hành trình sự nghiệp của ông, thể hiện đóng góp vào lĩnh vực giáo dục, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ sự nghiệp kinh doanh của mình với thế hệ trẻ.
4. Người sáng lập ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng
Ông Trần Mộng Hùng, sinh năm 1953, tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Sau khi ra trường, ông khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, làm giảng viên tại Trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng từ 1978-1980. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra đam mê với kinh doanh và quyết định chuyển hướng sự nghiệp.
Giai đoạn đầu, ông đảm nhận vai trò Phó Giám đốc tại Công ty Hóa nhựa TP. HCM. Đến năm 1988, ông chuyển sang làm Trưởng phòng Kinh doanh tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), tích lũy kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực tài chính và kinh doanh.
Năm 1993, ông thành lập Ngân hàng ACB (Ngân hàng Á Châu) và nhanh chóng phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam. Sự thành công của ACB dưới sự lãnh đạo của ông đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, nhận được sự thán phục từ giới tài chính trong nước. Hiện nay, tiếp nối di sản của ông, con trai cả Trần Hùng Huy giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, tiếp tục dẫn dắt ngân hàng trên con đường phát triển bền vững.
5. CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng
Ông Nguyễn Tử Quảng, sinh năm 1975 từng là học sinh chuyên Toán tại Trường THPT Chuyên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1995, khi vẫn còn là sinh viên năm thứ 3 tại Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã bắt đầu phát triển các chương trình chống virus, đặt nền móng cho hành trình của một chuyên gia an ninh mạng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội vào năm 1997, ông Nguyễn Tử Quảng được mời ở lại trường và trở thành giảng viên bộ môn Kỹ thuật Máy tính thuộc Khoa Công nghệ Thông tin. Từ sự cố virus CIH (virus Chernobyl) gây chấn động toàn cầu, ông Quảng nhận ra sự cấp thiết phải xây dựng một trung tâm an ninh mạng tại Việt Nam, chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công và chiến tranh mạng trong tương lai. Với tầm nhìn này, ông đã tiên phong thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam.
Mặc dù chỉ là giảng viên vào thời điểm đó, ông Nguyễn Tử Quảng đã được Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội tin tưởng bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm An ninh mạng (Bkis). Đây chính là tiền thân của BKAV - thương hiệu công nghệ hàng đầu Việt Nam về an ninh mạng và phần mềm diệt virus, do ông sáng lập và lãnh đạo sau này.